Sau TikTok, WeChat, đến lượt Taobao bị 'soi' về rủi ro an ninh
Đài Loan cảnh báo một nền tảng thương mại điện tử có liên hệ với Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc ẩn chứa nguy cơ về an ninh.
Ủy ban Đầu tư Đài Loan đã tuyên bố một nền tảng thương mại điện tử có liên hệ với Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc có nguy cơ tiềm ẩn về an ninh và yêu cầu nhà điều hành nền tảng này đăng ký là công ty từ đại lục hoặc hủy bỏ cổ phần sở hữu của nó.
Theo đài CNBC, lệnh này làm tăng thêm áp lực lên các công ty Trung Quốc ở Mỹ và các nước, vùng lãnh thổ khác liên quan đến những lo ngại về an ninh.
Đài Loan và Trung Quốc không có quan hệ chính thức nhưng quan hệ thương mại và đầu tư phát triển mạnh giữa hai bên. Đài Loan theo dõi chặt chẽ những mối liên hệ đó để tránh bị Bắc Kinh chi phối.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ nguy cơ sử dụng vũ lực để thu hồi.
Taobao Taiwan do Claddagh Venture Investment (đăng ký tại Anh) điều hành, nhưng cổ phần của Alibaba trong công ty cho phép tập đoàn Trung Quốc kiểm soát nền tảng này và vì vậy vi phạm các quy tắc của Đài Loan, CNBC ngày 24-8 dẫn một thông báo của cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết.
Cơ quan trên cho biết thỏa thuận người dùng cho phép Taobao Taiwan gửi dữ liệu giao dịch của thành viên trở lại máy chủ của Tập đoàn Alibaba ở Trung Quốc. Điều này có thể có rủi ro về bảo mật thông tin.
British Claddagh có sáu tháng để xin phép hoạt động như một công ty Trung Quốc, bằng không sẽ phải rút đầu tư. Công ty này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 410.000 Đài tệ (14.000 USD) nếu không tuân thủ.
Tập đoàn Alibaba, có trụ sở chính tại TP Hàng Châu, phía tây nam TP Thượng Hải, là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới tính theo tổng doanh số.
29% cổ phần của Alibaba trong Claddagh thấp hơn giới hạn 30% theo quy định pháp lý, nhưng cấu trúc cổ phần cho phép công ty Trung Quốc kiểm soát nó bằng cách phủ quyết các quyết định, theo Cơ quan Kinh tế Đài Loan.
Alibaba từ chối bình luận thông tin trên.
Đài Loan cũng nằm trong số các chính quyền đã áp đặt những biện pháp hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc).
Chính phủ Mỹ đã tuyên bố Huawei là một nguy cơ an ninh, điều mà công ty này phủ nhận. Washington cũng đang vận động các đồng minh tránh sử dụng công nghệ của Huawei khi họ nâng cấp lên các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang thúc ép chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán ứng dụng chia sẻ video ngắn này do lo ngại nó có thể chuyển thông tin của người dùng về Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với TikTok và WeChat, một dịch vụ nhắn tin phổ biến của Trung Quốc.