Sẽ bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho Tết 2025 và xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay khôi phục sản xuất trong chăn nuôi và thủy sản là thiết thực đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau Tết và xuất khẩu.

Việc tái đàn rất quan trọng để nâng cao giá trị sản lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Việc tái đàn rất quan trọng để nâng cao giá trị sản lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Sụt giảm nguồn cung thực phẩm sau bão lũ

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực thiệt hại lớn do giá trị kinh tế cao. Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 22 địa phương, làm trên 3,7 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 26 nghìn con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết. Riêng tại Quảng Ninh tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại đã lên tới hơn 32.000 tấn, tương đương gần 2.300 tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ông Phạm Kim Đăng đã khuyến cáo và có những thông tin thiết thực dành cho người chăn nuôi đang nóng lòng muốn tái đàn sau thiên tai. Hiện nay, Cục Chăn nuôi đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất, ưu tiên đảm bảo sinh kế cho người dân sau bão lũ.

Cục Chăn nuôi cũng đã có văn bản khuyến cáo người dân chú trọng công tác vệ sinh thú y, đặc biệt là việc xử lý rác thải và xác chết động vật để kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, người chăn nuôi cần lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn sinh học, chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ và vệ sinh chuồng trại tốt trước khi tái đàn.

Thực hiện lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT, hơn 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y đã nhanh chóng vào cuộc, tham gia hỗ trợ bằng nhu yếu phẩm, vật tư, vắc xin, con giống, thức ăn cho người dân. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc phục hồi, tái sản xuất của bà con. Hơn nữa, tại thời điểm bão xảy ra, nhiều hộ đang có khoản vay, các hộ đã có đề xuất, Cục Chăn nuôi cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ NN&PTNT để tổng hợp và đề nghị Chính phủ bố trí vốn, giãn nợ cho các hộ đầu tư lớn để phục hồi sản xuất và tái đầu tư.

Dù ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn nhưng đó chỉ là tạm thời, hoàn toàn có thể vượt qua và khôi phục để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Nhân dân trong nước, ngoài ra còn phục vụ khách du lịch và nâng cao cán cân xuất khẩu. Việc tái đàn, tái sản xuất phải được cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, có hướng dẫn thường xuyên, cụ thể để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Với người dân, cần lưu ý 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, về vấn đề vệ sinh môi trường, chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vườn cần được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Điều này giúp hạn chế mầm bệnh, tạo môi trường sống khỏe mạnh cho vật nuôi.

Về nguồn giống phải đảm bảo uy tín, người dân cần lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, được kiểm dịch đầy đủ là yếu tố quan trọng. Việc sử dụng nguồn giống không rõ ràng dễ dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Ngoài con giống chất lượng, điều kiện chăn nuôi cũng cần được đảm bảo. Chuồng trại, thức ăn, nước uống phải đáp ứng nhu cầu của vật nuôi trong suốt quá trình nuôi dưỡng.

Về tài chính, với những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, việc tiếp cận vốn là rất cần thiết. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ thông qua việc bố trí vốn, giãn nợ, nhằm giúp bà con phục hồi sản xuất. Đối với những trường hợp thiệt hại quá lớn, không thể phục hồi, việc xây dựng trang trại mới hoặc xem xét di chuyển trang trại sang vị trí khác. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ tài sản và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Việc tái đàn trở lại phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực vườn có ảnh hưởng đến chăn nuôi liên tục, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Riêng con giống rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ để tránh dịch bệnh, nếu không rất dễ trắng tay và không còn tiềm lực để hồi phục.

Cần giải pháp cân đối nguồn cung thực phẩm

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra nhận định: Bộ sẽ chỉ đạo vụ đông xuân luôn để chúng ta thấy rằng những sản phẩm như rau màu chỉ 25 - 30 ngày có thể thu hoạch, đối với gà công nghiệp nuôi hơn một tháng, gà lông màu trên 3 tháng, đối với vịt, ngan siêu thịt chỉ có 45 - 50 ngày, lợn 4 - 5 tháng là được thịt. Từ nay đến trước Tết, trong Tết và sau Tết chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi được.

Việc chủ động từ sớm, từ xa, cân đối nguồn cung cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung thịt lợn, gia cầm năm nay sẽ vẫn giữ ở mức ổn định, giá các mặt hàng này sẽ không có biến động nhiều mà vẫn duy trì ở mức vừa phải. Trong đó, giá lợn hơi sẽ dao động ở mức 60.000 đồng đến 66.000 đồng/kg, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Riêng các hộ nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.

Đảm bảo cả hai mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu đang đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải có giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trên tinh thần này, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 02 thì cần có một nghị quyết chuyên đề, hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3 để phù hợp với tình hình thực tiễn. Có như vậy chúng ta mới nhanh chóng có sản phẩm bù đắp cho khối lượng bị thiệt hại.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/se-bao-dam-nguon-cung-thuc-pham-cho-tet-2025-va-xuat-khau-post528708.html