Sẽ có tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa.

Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”
Xóa bỏ độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành sách giáo khoa
Có nhiều bộ sách giáo khoa thì học sinh có nhiều sự lựa chọn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD và ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã trao đổi phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Chi phí để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa khoảng hơn 300 tỷ đồng

- Thưa Thứ trưởng, với tư cách Bộ chủ quản, ông đánh giá thế nào về những thành quả từ chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) từ khi có Nghị quyết 88/2014/QH13 đến thời điểm hiện nay?

Đầu tiên chúng ta phải khẳng định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) tại Nghị quyết 88 Quốc hội là chủ trương đúng đắn có tính đột phá phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội cũng như giáo dục Việt Nam. Sau 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ trương này đã đạt được một số thành quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, xóa bỏ thế độc quyền. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa do nhà nước biên soạn và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành thì với quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 đã mở ra cơ chế xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và phát hành sách giáo khoa là do xã hội.

Kết quả hiện nay, toàn quốc có 07 Nhà xuất bản (NXB) có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK và tùy từng lớp đã có từ 3-5 bộ sách để giáo viên, học sinh và phụ huynh lựa chọn.

Thứ hai, thu hút, huy động được sự tham gia, trí tuệ của đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm thực tế và năng lực đến từ các trường đại học sư phạm, trường đại học chuyên ngành, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục phổ thông tham gia biên soạn SGK.

Cụ thể tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp đã có SGK được thẩm định và đưa vào thực hiện theo lộ trình: Lớp 1 là 221 tác giả, lớp 2 là 199 tác giả, lớp 3 là 234 tác giả, lớp 6 là 276 tác giả, lớp 7 là 318 tác giả, lớp 10 là 382 tác giả, trong đó trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.

Thứ ba, Huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục.

Theo tính toán sơ bộ từ các NXB thì chi phí để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa khoảng hơn 300 tỷ đồng; khoảng 100 tỷ chi phí marketing; như vậy 3 bộ sách hết khoảng hơn 1200 tỷ đồng.

Sách giáo khoa mới có nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và xu thế giáo dục hiện đại góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; các cơ sở giáo dục có điều kiện tự chọn cho mình bộ sách giáo khoa phù hợp nhất để tổ chức dạy học; giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn các bộ sách giáo khoa khác nhau để sử dụng trong giảng dạy, học tập.

Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa

- Căn cứ nào để Bộ GD và ĐT đề nghị đưa giá sách vào danh mục mặt hàng được Nhà nước định giá? Bộ có định mức kỹ thuật như thế nào để mọi người dân có thể tiếp cận sách giáo khoa chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất?

Kê khai giá hay định giá đều do Nhà nước quản lý. Định giá vẫn khuyến khích, tạo động lực để các Nhà xuất bản tham gia xuất bản sách.

Theo quy định về Luật Giá thì giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các Nhà xuất bản khác nhau trên cả nước) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính.

Trong thời gian vừa quan, Bộ GD và ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản, đề nghị các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian để giảm giá sách giáo khoa qua các lần kê khai.

Kết quả, phương án giá công bố của các nhà xuất bản đã giảm từ 3-9% so với phương án kê khai lần đầu. Mặc dù vậy, theo đánh giá của dư luận xã hội thì giá sách giáo khoa vẫn ở mức cao.

Trên thực tế, giá SGK có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 17,6 triệu học sinh phổ thông nên mỗi sự điều chỉnh về giá SGK đều có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước.

Từ những phân tích trên đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát, điều tiết giá đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ GD và ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đề xuất bổ sung SGK vào danh mục do Nhà nước định giá.

Ngày 16.6.2022 Chủ tịch Quốc hội đã kí ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

Thực hiện Nghị quyết, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3910/BGDĐT-KHTC ngày 17.8.2022; Công văn số 5501/BGDĐT-KHTC ngày 19/10/2022 gửi Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc quy định giá trần sách giáo khoa trong Luật Giá sửa đổi; hiện Luật Giá sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kì họp này.

Theo đó, nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. "Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân".

Có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa...

Có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa...

Sẽ công bố Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa

- Bộ GD và ĐT có định mức kỹ thuật như thế nào để mọi người dân có thể tiếp cận sách giáo khoa chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất?

Để có thêm các thông tin, kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Bộ GD và ĐT đã tổ chức Hội thảo về chuyên đề này và cho thấy, qua so sách, đối chiếu sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa một số nước trong khu vực và trên thế giới (Lào, Malaysia, Singapore; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ; Anh, Pháp, Australia, Nga).

Một số khía cạnh so sánh cụ thể như sau:

Về giá sách, dựa trên tiêu chí đơn giá (đồng/trang) sau khi quy đổi về cùng quy cách (khổ sách, số màu in), so sánh các cuốn sách cùng môn học, cùng lớp/cấp học, cho thấy, giá SGK của các nước Ấn Độ, Singapore, Australia và Hàn Quốc cao hơn giá SGK Việt Nam từ 7 đến 12 lần.

Về khổ sách, Khổ SGK Việt Nam tương đồng với khổ sách các nước nhưng thống nhất theo một khổ nhất định (các nước có nhiều khổ sách đồng thời).

Về giấy in, hầu hết các nước sử dụng giấy in SGK có định lượng cao hơn, độ trắng lớn hơn giấy in SGK của Việt Nam.

Về trọng lượng của sách, do sử dụng giấy in có định lượng thấp hơn nên SGK Việt Nam nhẹ hơn SGK các nước.

Về số màu, SGK Việt Nam theo CT GDPT 2018 in 4 màu, tương đồng với sách các nước trên thế giới.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn sách giáo khoa Việt Nam hiện nay đang thực hiện cụ thể như sau:

Về Khổ sách giáo khoa; Giấy in sách giáo khoa; Mực in:Thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8694:2011.

Về Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; Tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa: thực hiện theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22.12.2017 ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017.

Như vậy, về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD và ĐT đã có các quy định mang tính quy phạm pháp luật (bắt buộc thực hiện) về tiêu chuẩn sách giáo khoa.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế là: đặc tính kỹ thuật của sách giáo khoa, mới chỉ có quy định về khổ sách giáo khoa, giấy in sách giáo khoa và mực in.

Một số đặc tính kỹ thuật quan trọng khác của sách giáo khoa chưa quy định như: Trình bày nội dung sách; Kỹ thuật in sách; Kỹ thuật gia công sách; Phương pháp thử.

Các yêu cầu về quản lý chưa đầy đủ và rõ ràng theo các quy tắc quy định về tiêu chuẩn.

Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa.

Có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa

- Hiện nay, Bộ GD và ĐT đã có phương án nào để bảo đảm quyền tiếp cận sách giáo khoa với đối tượng học sinh nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa? Việc mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện hiện đã thực hiện ra sao? Có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong việc hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP đã quy định: Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo với mức 150.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác trong thời gian không quá 9 tháng/năm học để hỗ trợ các em mua sách, vở và các đồ dùng học tập.

Thông tư liên tịch số 109 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD và ĐT quy định Nhà trường xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 01 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học; hàng năm trường được mua bổ sung số sách giáo khoa bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung.

Tại Quyết định số 01 năm 2003 của Bộ GD và ĐT cũng quy định: Trước ngày khai giảng năm học mới nhà trường phải có "tủ sách giáo khoa dùng chung" để đảm bảo cho mỗi học sinh có 01 bộ sách giáo khoa (bằng các hình thức mua, thuê hoặc mượn).

Ngoài các chế độ chính sách chung, hàng năm Bộ GD và ĐT đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… trên địa bàn.

Về việc mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện: Bộ GD và ĐT đã có văn bản xin ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổng hợp nhu cầu gửi xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK cho học sinh mượn sử dụng theo các phương án 70% hoặc 50% số lượng học sinh được mượn sách.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 13.10.2022, hiện nay Bộ GD và ĐT đang tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đối chiếu số liệu đối tượng học sinh, mức kinh phí ngân sách của từng địa phương để xác định phương án hỗ trợ ngân sách cụ thể.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc này nên thực hiện từ năm học 2023-2024 cho phù hợp thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng SGK.

Bộ GD và ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý mua, trang bị và bảo quản sử dụng SGK để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

- Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/se-co-tieu-chuan-quoc-gia-ve-sach-giao-khoa-i306052/