Sẽ hoàn thiện cơ chế, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ có phương án đảm bảo được quyền lợi của NTD trong phát triển thương mại điện tử, cũng như bảo vệ quyền lợi NTD trong việc tham gia thương mại và mua bán trên môi trường mạng.
Bảo vệ NTD trong thương mại điện tử.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Ngàn Phương Loan - Lạng Sơn đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng bán hàng online phát sinh nhiều hình thức biến tướng, nhất là vấn đề quảng cáo thông tin không chính xác; Tình trạng không có địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng (NTD).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trên thực tế thương mại điện tử của Việt Nam phát triển rất nhanh trong những năm gần đây và mức độ tăng trưởng là tới hơn 30%. Nhưng ở đây có một số vấn đề mà đang đặt ra cho chúng ta trong câu chuyện về quản lý nhà nước.
Theo Bộ trưởng, thứ nhất là các khung khổ pháp luật và cả về mặt thể chế còn có sự chồng lấn và chưa xây dựng hoàn thiện về pháp luật để đảm bảo hạ tầng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
“Hàng loạt những vấn đề lớn báo cáo với đại biểu Quốc hội cũng là nhiều vấn đề mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt trong gian lận thương mại, kể cả lợi dụng hình thức của quảng cáo trên mạng để trục lợi và gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì chúng ta cũng đã xây dựng, phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như với Ngân hàng Nhà nước để trong thời gian tới có một số thông tư và nghị định để báo cáo Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, nhất là gắn với thanh toán điện tử và đồng thời cũng căn cứ trên Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung”, Bộ trưởng nói.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ và Quốc hội để cho phép tiếp tục xây dựng, hoàn thiện một số thể chế và pháp luật để đảm bảo lợi ích này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ có những phương án trong thương mại điện tử trong các đề án hợp tác với các khuôn khổ hội nhập quốc tế thì sẽ tiếp tục cập nhật để đảm bảo những điều kiện để phát triển thương mại điện tử, nó sẽ gắn với những khía cạnh khác của các bộ luật, như Luật Quảng cáo hoặc những yêu cầu trong Luật An ninh mạng để đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng trong phát triển thương mại điện tử nói chung, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tham gia thương mại và mua bán trên môi trường mạng.
Tiếp tục chủ động đấu tranh chống hàng giả
Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị người đứng đầu ngành Công Thương cho biết về giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan liên quan trong vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực địa phương trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là khi chúng ta đang hội nhập rất sâu và rộng với thế giới thì những câu chuyện này ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn, thậm chí là còn được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và thể hiện rõ qua vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tổng cục quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
“Cũng chính vì những yêu cầu này, trong Pháp lệnh thị trường cũng đã yêu cầu để chúng ta phải sớm thống nhất tổ chức một lực lượng thường nhật và quản lý thị trường theo ngành dọc đảm bảo yêu cầu hiệu quả trong phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất. Chính vì vậy sau khi được thành lập trong 1 năm qua chúng ta đang hoàn thiện về cơ bản tất cả bộ máy tổ chức của lực lượng quản lý thị trường”, Bộ trưởng thông tin.
Tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả, mà đơn giản là quần áo, rồi các đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã quyết liệt trong xây dựng một loạt các đề án đấu tranh từ chống đường buôn lậu, chống hàng giả gian lận trong sở hữu trí tuệ, cũng như những mặt hàng khác liên quan đời sống người dân như là mỹ phẩm, thực phẩm, chức năng, v.v..
Bộ Công Thương đang tổ chức những cuộc đấu tranh có trọng tâm và trọng điểm tại một số khu vực, địa bàn trọng điểm, ví dụ như Đồng Tháp và An Giang trong việc thuốc lá lậu, trong việc nhập lậu. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa và rất nhiều trung tâm khác về các mặt hàng giả, về sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng. Tới đây Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như của y tế của các bộ, ngành có chức năng liên quan để kiểm soát về các thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cũng như là các mặt hàng chữa bệnh để có những biện pháp đấu tranh hữu hiệu.
Nhận trách nhiệm trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết trong thời gian tới lực lượng chức năng của quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa trách nhiệm mình trong chủ động và phối hợp với các địa phương cũng như với các lực lượng chức năng của đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.