Sẽ sử dụng AI để kiểm soát các hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (5/11), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm về công tác quản lý ngân sách nhà nước, một lĩnh vực then chốt trong việc duy trì ổn định tài chính và phát triển kinh tế quốc gia. Các nội dung chính bao gồm phân bổ và giải ngân đầu tư công, chính sách tiết kiệm chi tiêu, vướng mắc trong các dự án mục tiêu quốc gia, tự chủ tài chính của các đơn vị công lập, tình hình các quỹ tài chính và biện pháp tăng thu ngân sách.
Thách thức từ phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, phân bổ và giải ngân ngân sách đầu tư công hiện nay là một trong những thách thức hàng đầu do các quy định thủ tục quá chặt chẽ. Quá trình này bị trì hoãn do cần phải hoàn tất các quy định về định mức và đơn giá cũng như phải tuân thủ các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt.
“Việc phân bổ ngân sách và chi thường xuyên vẫn chưa thực hiện hết dự toán, và việc giải ngân chậm là một vấn đề thực tiễn hiện nay. Điều này đòi hỏi phải đổi mới cách thức trong phân bổ dự toán ngân sách cũng như kế hoạch chi đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng phát biểu, đồng thời chỉ ra các vướng mắc pháp lý cụ thể như: theo quy định hiện hành, trước khi dự án được phê duyệt và có đầy đủ dự toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể tham mưu cho Chính phủ hoặc Quốc hội về phân bổ nguồn vốn. Ông dẫn chứng, trong một số dự án đầu tư xây dựng, các bộ, ngành chưa có đơn giá, định mức được phê duyệt nên không thể triển khai phân bổ chính xác dự toán.
Một trường hợp điển hình là phân bổ vốn cho các hoạt động khoa học và công nghệ. Phó Thủ tướng giải thích, dù Quốc hội đã quy định tỷ lệ chi 2% cho các hoạt động này, nhưng thực tế chỉ mới chi được hơn 1% vì phải chờ phê duyệt các quy định và định mức từ các ngành liên quan. Ông cho rằng, nếu không có sự cải cách về thủ tục này, việc chậm giải ngân sẽ tiếp tục diễn ra và cản trở sự phát triển của các dự án trọng điểm.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng đề xuất một giải pháp cải cách về phân bổ ngân sách, cụ thể: sau khi Quốc hội phê chuẩn tổng thể ngân sách, nguồn vốn sẽ được phân bổ một lần trực tiếp cho các bộ, ngành và địa phương để tự triển khai theo đúng quy định. Bộ Tài chính sẽ chỉ kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong chi tiêu. Ông nhấn mạnh, “nếu chúng ta có đồng thuận về mặt tư duy như vậy, quy trình sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.”
Nâng cao hiệu quả chính sách tiết kiệm chi ngân sách
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng tiết kiệm chi là biện pháp cần thiết để tối ưu hóa ngân sách. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm tiết kiệm chi thường xuyên thông qua cắt giảm các chi phí không cần thiết.
“Chúng ta tiết kiệm chi chủ yếu từ các khoản sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách, và các khoản chi khác. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách chi cho lương và phụ cấp là cố định, khó có thể cắt giảm thêm,” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đến nay, chính sách này đã giúp tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, một con số đáng khích lệ. Đặc biệt, một số bộ, ngành đã thực hiện chính sách tiết kiệm ở mức tối đa, như Bộ Văn hóa chỉ được cấp ngân sách ở mức rất thấp, khoảng vài trăm tỷ đồng nên hầu như không còn gì để tiết kiệm thêm. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành cố gắng tiết kiệm thêm ở các khoản chi khác như chi phí đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị nhằm tạo nguồn lực cho các hoạt động cần thiết.
Phó Thủ tướng cũng đưa ra định hướng tiếp tục tiết kiệm trong đầu tư công, bằng cách giảm định mức và chi phí ở mọi giai đoạn. “Chúng ta sẽ tiết kiệm trong quá trình định mức dự toán, thi công, vận chuyển, và bảo quản các công trình công. Những khoản tiết kiệm này sẽ được sử dụng hiệu quả vào các mục tiêu phát triển hạ tầng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về các khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu đất cho san lấp công trình do quy định rằng đất cũng được coi là khoáng sản, dẫn đến rào cản về pháp lý. Quy định này là rào cản cho các dự án cần đất san lấp và sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh để phù hợp hơn.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh đến các khó khăn trong thủ tục thu hồi và xác định giá đất. Cụ thể, quy định xác định giá đất khiến cơ quan thuế không thể phát hành hóa đơn cho doanh nghiệp, làm chậm trễ thu tiền sử dụng đất. Khi giá đất chưa được xác định, quy trình tiếp theo không thể thực hiện.
Đề cập đến vấn đề nợ đọng tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, nợ tiền sử dụng đất chiếm tới 45% tổng nợ thuế của cả nước, trong đó phần lớn là tiền phạt chậm nộp. Theo ông, tình trạng này xuất phát từ việc doanh nghiệp được giao đất trước khi thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc không nộp thuế đúng hạn khiến các doanh nghiệp chịu thêm các khoản phạt lớn, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Thách thức tự chủ tài chính tại các đơn vị công lập
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh yêu cầu tự chủ ngày càng cao, một số đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K… đã kiến nghị xin quay lại tự chủ một phần trong các hoạt động chi thường xuyên. Điều này đã được Chính phủ đồng ý nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.
Phó Thủ tướng giải thích: “Các đơn vị này sẽ tự chủ trong các khoản chi thường xuyên nhưng phần đầu tư cơ sở vật chất vẫn được ngân sách đảm bảo. Điều này giúp các bệnh viện có thể tập trung vào nhiệm vụ phục vụ y tế, đồng thời giữ vững an toàn tài chính.”
Ngoài ra, ông khẳng định Chính phủ ủng hộ các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về các khoản chi như thuê tài sản, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng tài sản nhà nước được bảo toàn và không bị thất thoát. “Việc tự chủ là cần thiết, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ tài chính và mở rộng nguồn thu
Giải trình về tình hình các quỹ tài chính, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tại, quỹ bảo hiểm xã hội có số dư lớn, nhưng số dư này chủ yếu được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hoặc gửi ở các ngân hàng thương mại của nhà nước. Việc đầu tư này không chỉ bảo đảm an toàn cho quỹ mà còn tạo lợi ích cho Chính phủ.
Đối với nguồn ngân sách gửi ở các ngân hàng, ông cho biết, số dư trong ngân sách chỉ là khoản tạm thời, chưa thể giải ngân. Khi có đủ khối lượng và thủ tục, các khoản này sẽ được rút ra sử dụng ngay. Chính phủ đã tập trung gửi các khoản này tại Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm tính an toàn và ổn định tài chính.
Về các chính sách tài khóa mở rộng và biện pháp tăng thu ngân sách, trong 4 năm qua, Chính phủ đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng chi ngân sách để kích thích kinh tế. Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi đã giảm gần 800.000 tỷ đồng tiền thuế, trong khi thu ngân sách vẫn vượt gần một triệu tỷ. Chính sách này giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, và các công trình an sinh xã hội.”
Sự thành công này đạt được nhờ các biện pháp cải cách phương thức thu ngân sách, đặc biệt là việc triển khai thu thuế điện tử và kết nối dữ liệu. Ông nhấn mạnh, các thay đổi này đã giúp tăng nguồn thu từ các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản, và nhiều ngành nghề khác.
Đề cập đến những thành quả trong việc thu thuế từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, Phó Thủ tướng cho biết, hiện tại, cơ quan thuế đã thu được hơn 18.600 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài, và các sàn thương mại điện tử trong nước cũng đã bắt đầu đóng góp cho ngân sách. Bộ Tài chính dự kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, đảm bảo sự minh bạch và quản lý doanh thu hiệu quả. “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử,” Phó Thủ tướng chia sẻ.