SEA Games 32: Bóng đá và Cooling Break

Cooling Break trong bóng đá được hiểu là thời gian nghỉ ngắn, để cầu thủ được uống nước và làm mát cơ thể trong thời tiết nắng nóng. Tại SEA Games 32, điều luật này đã được vận dụng hầu hết trong các trận bóng đá vừa qua...

“Cooling break” từng xuất hiện ở nhiều giải đấu lớn trên thế giới. Ảnh: internet

“Cooling break” từng xuất hiện ở nhiều giải đấu lớn trên thế giới. Ảnh: internet

Điều luật này có từ bao giờ?

Tìm kiếm trên Google, chúng ta có thể cập nhật được những thông tin này, theo đó cho thấy, Cooling Break lần đầu tiên được áp dụng tại World Cup 2014, do Brazil đăng cai tổ chức.

Sân vận động Estádio Castelão - Brazil. Ảnh: Internet

Sân vận động Estádio Castelão - Brazil. Ảnh: Internet

Cooling: làm mát/cooling system: hệ thống làm mát

Break: sự dừng lại/ngắt quãng/thời gian nghỉ ngắn...

Cooling break tạm dịch là thời gian nghỉ để làm mát, nghỉ để giải nhiệt.

Trong trận đấu giữa Hà Lan - Mexico, khi đó, nhiệt độ tại Estádio Castelão lên tới 390C, nên trọng tài người Bồ Đào Nha Pedro Proença đã dừng trận đấu và cho phép các cầu thủ được nghỉ 3 phút để tiếp nước.

Trọng tài Pedro Proença. Ảnh: internet

Trọng tài Pedro Proença. Ảnh: internet

Luật Cooling Break được áp dụng trận Hà Lan-Mexico ở vòng 1/8 World Cup 2014. Ảnh: internet

Sau đó, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. các công tố viên của Tòa án Brazil cho rằng cần phải có thời gian nghỉ 3 phút ở mỗi hiệp để tiếp nước trong trường hợp trận đấu diễn ra ở điều kiện nhiệt độ cao. Nhưng FIFA lúc đó lại cho rằng, từ khi World Cup diễn ra, chưa khi nào nhiệt độ trên sân vượt quá 280C cả. Điều đó cho thấy điều kiện trên sân nhìn chung không phải quá khắc nghiệt.

Tuy nhiên trên thực tế, thời điểm diễn ra World Cup 2014 là lúc mùa đông bắt đầu ở Brazil, nhưng tại 12 thành phố được chọn để tổ chức World Cup nhiệt độ vẫn rất cao. Tòa án Brazil và FIFA phải mất hơn 2 giờ tranh luận về vấn đề này để có được tiếng nói chung, đồng ý đưa điều này vào quy định chính thức, gọi là điều luật Cooling Break và được áp dụng cho những giải bóng đá tiếp sau. Đồng thời việc kiểm tra nhiệt độ phải được FIFA cập nhật thường xuyên ở các trận đấu bằng những thiết bị được cấp phép. Nếu không thực hiện đúng quy định này, FIFA sẽ phải nộp phạt 90.000 USD cho mỗi trận đấu.

Cooling Break tại Việt Nam

Tại giải V. League 2016, Ban tổ chức Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và Giải vô địch bóng đá hạng Nhất quốc gia cũng đã cho áp dụng quy định Cooling Break. Đó là thời điểm cả nước bước vào giai đoạn nắng nóng trên diện rộng, nên việc áp dụng quy định Cooling break tại mỗi trận đấu vào khoảng phút thứ 30 và 75 của trận đấu sẽ giúp các cầu thủ giảm thiểu tác động của nắng nóng, góp phần bảo đảm sức khỏe cũng như chuyên môn thi đấu cho các đội tham gia giải ...

Và trong các trận đấu bóng đá tại SEA Games 32 năm nay, người xem thấy được hình ảnh trọng tài cho dừng trận đấu giữa mỗi hiệp đấu (phút 35 và 75) để các cầu thủ vào uống nước. Lúc đó, trên màn hình tivi có dòng chữ Cooling Break mà nhiều khán giả của Bình Phước Online muốn biết rõ hơn về điều luật này...

Tại SEA Games 31, trọng tài Mohammad Hassan Arafah đã cho trận đấu giữa U23 Philippines và U23 Myanmar dừng lại để uống nước

Tại SEA Games 31, trọng tài Mohammad Hassan Arafah đã cho trận đấu giữa U23 Philippines và U23 Myanmar dừng lại để uống nước

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian của các kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam có điều chỉnh và kéo theo kỳ SEA Games 32 tại Campuchia phải chịu ảnh hưởng của thời điểm nắng nóng, đặc biệt là đợt nắng nóng năm 2023 này. SEA Games 32 tại Campuchia diễn ra từ ngày 5 đến 17-5, tuy nhiên trước đó đã có một số môn như điền kinh phải thi đấu trước dưới cái nắng nóng hơn 400C, khiến nhiều vận động viên đuối sức và thi đấu không đạt yêu cầu đề ra...

Vòng bảng bóng đá nam, nữ cũng lần lượt khởi tranh từ 29-4 với 2 trận trong 1 lượt đấu, trong đó các trận 16 giờ khá nóng bức và gây mất sức cho các cầu thủ. Do đó, người xem có thể thấy đến phút 35 của hiệp 1 và phút 75 của trận đấu, trọng tài sẽ quyết định thực hiện Cooling Break. Thời gian để các cầu thủ tạm nghỉ tiếp nước hay "nghỉ mát" như cách gọi vui của các cầu thủ là 3 phút/lần cho mỗi hiệp đấu. Thời gian nghỉ ngắn này sẽ được cộng bù vào trận đấu theo đúng quy định.

Một số thông tin cơ bản về điều luật Cooling Break:

- Không phải trận đấu nào cũng bắt buộc phải áp dụng điều lệ này. Điều lệ này sẽ được cân nhắc sử dụng theo từng trận một;

- Trọng tài có thể cho phép trận đấu tạm dừng để áp dụng điều lệ này khi nhiệt độ trên sân vượt quá 32°C;

- Mỗi hiệp đấu sẽ chỉ được áp dụng điều lệ này một lần vào khoảng phút 30 của mỗi hiệp;

- Đồng hồ tính giờ trận đấu sẽ không dừng lại trong quãng nghỉ này – 3 phút của thời gian nghỉ theo luật Cooling Break sẽ được cộng vào thời gian bù giờ cuối mỗi hiệp.

Từ khi điều luật mới này được áp dụng, hầu hết các cầu thủ bóng đá đều rất phấn khởi và việc áp dụng Cooling Break trong các trận bóng đá SEA Games 32 tại Campuchia lần này xem ra đã cho thấy tính phù hợp nhất của điều luật mà vốn trước đây đã từng tranh cãi.

Trên các trang mạng xã hội, có một số bình luận đề nghị thay vì tiếp nước đơn thuần như hiện nay, thời gian Cooling Break nên là "Buffet drinks" tức là để các cầu thủ thoải mái lựa chọn các loại nước uống như: nước lạnh, nước hoa quả, cocktail, bia tươi hay thậm chí một ly whisky!...

Lê Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/144161/sea-games-32-bong-da-va-cooling-break