Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3: Shark Bình nói phũ, Shark Hưng chi 1,8 tỷ cho xe máy

Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3: Shark Bình nói phũ, Shark Hưng chi 1,8 tỷ cho xe máy

Công nghệ cảnh báo cháy nhà sớm có trở thành “ứng dụng quốc dân”

Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3 chào đón Trần Xuân Trường - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Pitagon. Anh đến để huy động đầu tư vào nền tảng an ninh an toàn mang tên PiSafe với mức huy động là 250 nghìn USD cho 10% cổ phần.

Shark Bình và Trần Xuân Trường - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Pitagon và cái bắt tay "trị giá" 250 nghìn USD.

Shark Bình và Trần Xuân Trường - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Pitagon và cái bắt tay "trị giá" 250 nghìn USD.

PiSafe cung cấp giải pháp bao gồm thiết bị phần cứng và phần mềm nghiệp vụ giúp cảnh báo cháy sớm tới người sử dụng.

Các thiết bị cảm biến nhiệt, cảm biến khói, cảm biến lửa sẽ khi phát hiện ra nguy cơ cháy sẽ gửi thông tin cảnh báo tới chủ gia đình qua sim 4G, đồng thời tiếp cận trên các kênh liên lạc với cơ quan chức năng để có thể ứng cứu kịp thời.

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Trần Xuân Trường cho biết công ty đã hoạt động được 5 năm, vốn góp là 2 tỷ đồng. Số tiền mặt hiện có là 5 tỷ 7, là lợi nhuận cộng gộp từ các năm trước.

Startup hiện có sản phẩm PiSafe Office dành cho những nơi đã thi công lắp đặt tủ báo cháy như cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư…

Còn PiSafe Home là sản phẩm dành cho các nhà hàng, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, những nơi chưa có thiết bị báo cháy.

PiSafe bắt đầu có lãi từ năm 2020 với con số là 300 triệu. Con số tăng mạnh nhất vào năm 2022 với lợi nhuận 2 tỷ trên doanh thu 11,9 tỷ.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của startup đạt 9,4 tỷ, lợi nhuận là 2,8 tỷ.

Dự kiến đến hết năm, doanh thu, lợi nhuận đạt được lần lượt là con số 18 tỷ và 5 tỷ.

“Chúng tôi tự tin trong thời gian sắp tới có thể tạo ra được nhiều người dùng hơn tham gia vào nền tảng. PiSafe không chỉ là một nền tảng cảnh báo cháy nổ nói chung mà chúng tôi hướng tới an ninh an toàn.

Trong đấy sẽ bao gồm thiết bị giám sát an toàn cho ngôi nhà của bạn cũng như cho các cơ sở kinh doanh. Song song với đó, chúng tôi làm chủ hoàn toàn về nền tảng IoT (Internet of Things – Internet vạn vật) cũng như là về phần mềm. Nên là việc mở rộng nó rất là hiệu quả”, Xuân Trường thuyết phục các Shark về tiềm năng mở rộng quy mô thị trường.

Xuân Trường cho biết thị trường đang có khoảng 4 triệu hộ kinh doanh và anh có thể chiếm lĩnh khoảng 1-2% con số đó.

“Giá bán trung bình của một thiết bị của bọn em cho một hộ rơi vào tầm 3,4-3,8 triệu. Nhân ra thì dung lượng của nó sẽ gần khoảng 9.000”, Xuân Trường tính toán.

Với mức kêu gọi đầu tư 250 ngàn USD, tương đương 6 tỷ cho 10% cổ phần, Shark Hưng đặt giả thiết nếu để thu hồi vốn bằng phương án chia cổ tức lợi nhuận thì startup cần đạt doanh thu 100 tỷ.

Dàn "cá mập" tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3.

Dàn "cá mập" tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 3.

Bốn Shark đều từ chối đầu tư. “Ngược dòng” với 4 “cá mập” cùng bể, Shark Bình đề nghị đầu tư 250 nghìn USD đổi lấy 40% cổ phần.

Ông đánh giá startup có thị trường lớn vì hầu hết các vụ cháy là ở nhà dân và cháy lan từ nhà này sang nhà khác. Thay vì bán B2C, startup có thể bán B2b (B to small B), tức là bán cho các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ.

Xuân Trường cho biết PiSafe đặt kỳ vọng có thể trở thành một “ứng dụng quốc dân” về an ninh an toàn nên startup đang có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm mới.

“Tôi đề nghị là 250.000 (USD) cho 20% hoặc 500.000 (USD) cho 36%. Đồng thời tôi yêu cầu công ty hàng năm phải chia cổ tức”, Shark Bình đưa ra deal kép để Xuân Trường lựa chọn.

Sau khi cân nhắc lộ trình của startup còn nhiều vòng gọi vốn, Xuân Trường đã quyết định lựa chọn phương án lấy 20% cổ phần đổi lấy 250 nghìn USD đầu tư từ Shark Bình.

“Đốt” 2 tỷ vì ước mơ làm chiếc xe 3 bánh, Shark Bình nói phũ, Shark Hưng xuống tiền đầu tư

Một mô hình sản xuất khác xuất hiện trong tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 6 là Cababa với hai đại diện là kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập và kỹ sư chế tạo máy Trần Quyết Tiến - đồng sáng lập.

Trăn trở bởi nắng, mưa, khói bụi, tiếng ồn, sự không an toàn khi di chuyển bằng xe máy lúc đưa con gái đi học. Bên cạnh đó, là tình trạng tắc đường, khoản chi phí mua xe và sự lãng phí không gian khi sử dụng xe ô tô mà chỉ có hai người, Nguyễn Tuấn Anh quyết định cho ra đời thương hiệu Cababa, là chữ viết tắt của "Car ba bánh" - tức xe ba bánh.

Sản phẩm của startup này là chiếc xe điện ba bánh thân hẹp có buồng lái kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ với giá bán dự kiến là 100 triệu đồng. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua.

Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150km với phiên bản pin có thể tháo rời. Hiện nay, startup đã có bản MVP (Minimum viable product - sản phẩm khả thi tối thiểu) chạy thử nghiệm được 6 tháng.

Shark Hưng và startup có màn tranh cãi về chiếc xe 3 bánh. Tuấn Anh và Quyết Tiến muốn kêu gọi đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 5% cổ phần để tạo ra 5 sản phẩm nữa trong vòng 6 tháng.

Shark Hưng và startup có màn tranh cãi về chiếc xe 3 bánh. Tuấn Anh và Quyết Tiến muốn kêu gọi đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 5% cổ phần để tạo ra 5 sản phẩm nữa trong vòng 6 tháng.

Tuấn Anh chia sẻ, tầm nhìn của Cababa đến năm 2030 sẽ là công ty số một ở Đông Nam Á về lĩnh vực micromobility (phương tiện giao thông kích thước nhỏ). Dự án này đã tiêu 2 tỷ gồm 1 tỷ là từ nhóm sáng lập và 1 tỷ tiền vay.

Tuấn Anh và Quyết Tiến muốn kêu gọi đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 5% cổ phần để tạo ra 5 sản phẩm nữa trong vòng 6 tháng.

Shark Bình là người đầu tiên đưa ra quyết định không đầu tư. Ông cho biết: “Sân chơi Shark Tank là sân chơi của kinh doanh, những dự án kinh doanh khả thi, sản sinh ra doanh thu và lợi nhuận ngay. Nó không phải là sân chơi của những ước mơ”. Chính vì vậy, nên ông từ chối đầu tư.

Shark Hùng Anh cho rằng tư duy thị trường khó thay đổi, do đó ông khuyên startup nên mở rộng lối đi của người khác thay vì tự mở ra một lối đi mới. Anh quyết định không đầu tư.

Shark Tuệ Lâm cho biết, cô đã từng nhận được pitch deck (bản thuyết trình tiếp thị doanh nghiệp) của Cababa và cũng đã thử tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng.

“Tôi hỏi người khác là nếu bây giờ họ có tầm 100, 120 triệu thì họ muốn mua một cái xe SH hay họ muốn mua một cái xe như thế này, thì cả 10 người họ đều nói với tôi rằng họ sẽ không mua cái xe như thế này”. Vì lý do đó, cô không đầu tư cho startup này. Shark Louis là người tiếp theo nói lời từ chối.

Màn tranh cãi của Shark Hưng và startup

"Thế bây giờ bạn gọi nó là ô tô hay gọi là xe máy", Shark Hưng thắc mắc.

Tuấn Anh cho biết: "Có rất nhiều người hỏi em câu đó và em trả lời rằng không phải ô tô, không phải xe máy, nó là một thứ đến từ tương lai".

"Công ty đăng kiểm họ hỏi bạn thì bạn trả lời thế nào?".

Shark Hưng đặt vấn đề và phân tích rằng, nếu định nghĩa chiếc xe là ô tô ba bánh thì người dùng cần có bằng lái ô tô, xe được tham gia vào làn ô tô và người lái không phải đội mũ bảo hiểm.

Ở một góc nhìn khác, Shark Hưng cho rằng tương lai gần ở Việt Nam sẽ có những dòng xe ở mức giá trên dưới 100 triệu, 200 triệu. Đồng thời, đánh giá cao tâm huyết của đội ngũ sáng lập khi nghiên cứu phát triển sản phẩm trong một thời gian ngắn. Shark Hưng mong muốn được đồng hành cùng startup.

“Bạn mới xuống khoảng 2 tỷ, tôi xuống 1,8 tỷ mà cho tôi 5% thì hơi ít “cá” quá.

Vì vậy bạn xuống 2 tỷ, bạn giữ 85%. Tôi xuống 1,8 tỷ, tôi lấy 15%.

Có thể tôi sẽ ứng trước khoảng một, hai trăm triệu cho các bạn ‘sống’ đã, để làm trước một vài việc. Nhưng giải ngân chính thức phải sau khi có bước tiến đáng kể về mặt thủ tục đăng kiểm và lưu hành”, Shark Hưng nói.

Cuối cùng, Shark Hưng chốt đầu tư 1,8 tỷ cho 12% cổ phần vốn góp, 3% là free shares (cổ phần tặng). Tuấn Anh đồng ý với đề nghị này của Shark Hưng, khép thương vụ gọi vốn thành công.

Diễn viên trẻ Gia Linh gọi vốn, dàn "cá mập" quay lưng

Diễn viên trẻ Gia Linh cho biết, bên cạnh công việc của một diễn viên, cô cũng tập kinh doanh nhiều thứ nhưng đa số đều thất bại vì thiếu kinh nghiệm.

“Mẹ có khuyên em rằng em còn rất trẻ, những gì mà em đã thất bại, đã sai lầm là bài học và mẹ luôn đồng hành cùng em. Đó chính là cảm hứng để cho em quay về quê hương bắt tay cùng mẹ, tạo dựng một thương hiệu mang tên của mẹ”, Gia Linh kể về lý do thương hiệu Bò một nắng Thúy Liễu ra đời.

Gia Linh cùng mẹ đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 kêu gọi các Shark đầu tư 2,5 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.

Gia Linh cùng mẹ đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 kêu gọi các Shark đầu tư 2,5 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.

Mong muốn phát triển thương hiệu lớn mạnh theo hướng chuyên nghiệp hơn, theo đuổi đúng tư tưởng: Chất lượng tinh túy, sạch từ trái tim xanh, Gia Linh cùng mẹ đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 kêu gọi các Shark đầu tư 2,5 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.

Năm 2022, thương hiệu Bò một nắng Thúy Liễu đã đạt doanh thu 12 tỷ, lợi nhuận 12%. Doanh thu năm 2023 tính đến thời điểm hiện tại là 8 tỷ, dự kiến lợi nhuận sẽ đạt 15% nhờ tối ưu sản xuất và giảm chi phí vận hành.

Trong đó 30% vốn sẽ được đầu tư vào trang thiết bị như máy sấy, máy in date công nghệ, dây chuyền, làm kho lạnh dự trữ, lò sấy. 30% tiếp theo sẽ được sử dụng để mở một cơ sở chính thức tại thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên.

“Theo em tìm hiểu, vào năm 2022 Phú Yên có 2,2 triệu lượt khách du lịch và cho tới năm 2023, đầu quý này đã có gần 500.000 người tới ghé thăm rồi. Nó gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái… Nếu như em khai thác triệt để ở tỉnh Phú Yên thôi thì em đã có một thị trường để mình có thể khai thác được. Khi mà mình mở được một cơ sở đó rồi, em sẽ sử dụng tiền lưu động đó để mua bò tươi về dự trữ”, Gia Linh phân tích về tiềm năng thị trường. Tuy nhiên, các Shark đều từ chối đầu tư.

An An

Từ Nữ Triệu Vương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/shark-tank-viet-nam-mua-6-tap-3-shark-binh-noi-phu-shark-hung-chi-18-ty-cho-xe-may-19223101701003882.htm