Shipper tại Hà Nội đổ xô ra đường chạy kiếm thêm

Trước nhu cầu đơn hàng tăng đột biến, nhiều tài xế giao hàng tại Hà Nội tranh thủ tăng giờ làm kiếm thêm.

Đúng 7 giờ sáng, như thường lệ, Thành Long - 21 tuổi, tài xế giao hàng của Baemin tại Hà Nội - dắt xe khỏi nhà để chuẩn bị một ngày đi làm. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp, Long lo ngại công việc của mình có thể bị ảnh hưởng trong tương lai.

“Tôi tranh thủ chạy thật nhiều để tiết kiệm tiền. Bình thường tôi chạy từ 7h đến 16h, nhưng giờ chạy từ sáng đến tối muộn luôn. Vì chỉ di chuyển quanh khu vực sinh sống, qua giờ cao điểm là tôi tạt về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi lấy sức rồi đi làm tiếp”, Long tâm sự.

Việc nhiều hàng quán ăn uống chỉ cho phép bán mang về khiến nhu cầu đặt hàng của người dân Hà Nội tăng cao. So với thời điểm trước dịch, số lượng đơn hàng Long nhận được mỗi ngày tăng 20-30%.

 Các shipper Hà Nội bận rộn hơn khi nhu cầu đặt đồ ăn mang về tăng vọt. Ảnh: Thạch Thảo.

Các shipper Hà Nội bận rộn hơn khi nhu cầu đặt đồ ăn mang về tăng vọt. Ảnh: Thạch Thảo.

30-40 đơn hàng mỗi ngày

Trung bình một ngày, Long hoàn thành trên dưới 30 đơn hàng, có lúc chạy trên 40 đơn/ngày. Sau khi trừ chi phí xăng, xe, ăn uống dọc đường và cộng cả tiền thưởng, số tiền anh kiếm được dao động từ 700.000-1.000.000 đồng/ngày, tính ra khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Đối với ứng dụng Baemin, phí giao đơn hàng từ 3 km trở xuống là 15.000 đồng, từ 3 km trở lên tính giá 5.000 đồng/km. Tài xế nhận 72%, còn lại thuộc về nền tảng. Shipper sẽ được ứng dụng thưởng thêm tiền nếu chạy tốt, hoàn thành nhiều đơn. Ví dụ nếu hoàn thành 40 đơn/ngày, tỷ lệ hoàn thành trên 80% thì tài xế được nhận thêm 330.000 đồng.

“Nhu cầu cao nên số đơn nhận được không hạn chế như trước. Tôi sợ dịch bệnh lắm nên thường ngồi xa anh em tài xế khác khi đợi đồ, cũng không dám trò chuyện cùng ai. Lúc nào trên xe cũng để sẵn chai nước sát khuẩn tay, xong đơn nào là rửa tay luôn, vệ sinh cả tiền thừa khách trả lại”, người tài xế chia sẻ.

Không chỉ Long, nhu cầu giao hàng lớn khiến nhiều tài xế giao hàng xác định đây là thời điểm phù hợp để kiếm thêm. Trên các hội nhóm mạng xã hội, số lượng thành viên mới tham gia, hỏi kinh nghiệm đăng ký tài xế giao đồ ăn cũng tăng mạnh.

 Nhiều tài xế có thể rong ruổi ngoài đường 12 giờ mỗi ngày. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhiều tài xế có thể rong ruổi ngoài đường 12 giờ mỗi ngày. Ảnh: Thạch Thảo.

Trung Kiên - 31 tuổi, tài xế giao hàng của Now tại Hà Nội - rong ruổi liên tục ngoài đường suốt 12 tiếng/ngày. Trung bình mỗi ngày Kiên hoàn thành 35 đơn hàng, thu về 800.000-1.000.000 đồng/ngày. Anh ước tính thu nhập tháng này hơn 18 triệu đồng.

“Anh em tài xế giao hàng trên các diễn đàn ai cũng động viên nhau, cố gắng hoạt động 100% công suất để tích góp. Tôi chạy cường độ cao liên tục từ cuối tuần trước, đến nay là được 7 ngày rồi. Nếu tình hình dịch chuyển hướng tích cực, tôi sẽ quay lại dịp hoạt động bình thường, ngày chỉ chạy 8-9 tiếng thôi”, Kiên nói.

Chia sẻ thêm, anh cho biết các tài xế nên chấn chỉnh tình trạng tụ tập, xếp hàng dài trước quán vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, bản thân hàng quán, ứng dụng cũng nên nhắc nhở, hướng dẫn shipper cách lấy đơn an toàn thường xuyên.

Lo ngại dịch bệnh

“Tôi chạy liên tục nên cũng không muốn tiếp xúc với đồng nghiệp. Dịch đang căng thẳng nhưng đến giờ nghỉ theo thói quen một số anh em vẫn tập trung lại nói chuyện với nhau, rất nguy hiểm”, Kiên nói.

Long cho biết anh lo tình trạng hàng quán và tài xế không tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp 5K, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn phòng chống dịch có thể khiến công tác đẩy lùi Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, anh và gia đình đã dự trữ đầy đủ mọi thứ, từ tiền tiết kiệm, thực phẩm thiết yếu và vật dụng cần thiết đề phòng nhiều tình huống.

“Nếu thành phố ra chỉ thị dừng mô hình bán mang về thì tôi ở nhà ngay, không vấn đề gì. Nhưng có phải ai cũng có điều kiện đầy đủ như vậy đâu, đóng cửa thì nhiều người khó khăn lắm. Vì cái chung và cộng đồng, tôi khuyên cộng đồng tài xế hãy hạn chế tụ tập và thực hiện tốt biện pháp phòng chống Covid-19”, anh quan ngại.

Nếu ở nhà, Long cho biết anh sẽ dành thời gian học tập, ôn luyện kiến thức cũ trước khi bắt đầu năm học cuối cùng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Dù vẫn ngồi trên ghế giảng đường, anh đã bắt đầu tham gia ứng dụng giao hàng từ năm 2020 vì muốn tự mình trang trải cuộc sống, độc lập tài chính với gia đình.

 Nhiều shipper lo ngại chính tình trạng tài xế và hàng quán không tuân thủ 5K. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhiều shipper lo ngại chính tình trạng tài xế và hàng quán không tuân thủ 5K. Ảnh: Thạch Thảo.

Đối với tài xế Kiên, anh cho biết sẽ dừng chạy nếu tình trạng dịch không cải thiện. Việc ở nhà, hạn chế ra đường sẽ giúp anh có nhiều thời gian hơn với gia đình.

“Gia đình tôi đã chuẩn bị mọi thứ đâu ra đấy. Khoản tiền tăng ca với số tiền tiết kiệm trước đó có thể giúp gia đình thanh toán các loại chi phí sinh hoạt trong thời gian dài”, anh kể.

Nhưng thay vì ngồi nhàn rỗi, anh chia sẻ sẽ chuyển sang bán nem chua, nem phùng. “Ngoài phụ vợ việc nhà, trông con, tôi dự định quay về với ngón nghề cũ, tự làm nem chua, nem phùng, giò tai trộn thính ở nhà. Giá bình dân thôi, chủ yếu bán cho bạn bè, anh em trong gia đình”, anh tâm sự.

Shipper tụ tập tán gẫu trong lúc chờ khách ở Hà Nội Bất chấp chỉ thị cấm tụ tập trên 5 người nơi công cộng, nhiều nhóm shipper vẫn tập trung trên vỉa hè phố Dương Khuê (Hà Nội) trò chuyện trong thời gian chờ khách gọi đồ ăn.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/shipper-tai-ha-noi-do-xo-ra-duong-chay-kiem-them-post1241468.html