Showbiz Việt và những 'ông sao khiếm thính'
Những 'ông sao khiếm thính' có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những 'ông sao' của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động 'khiếm thính' vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu 'mục hạ vô nhân'. Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là 'ông sao' hoặc 'sao sao'.
1. Sau sự cố bộ trang phục phản cảm trong đêm diễn "Ngày em thắp sao trời" ở TP Hồ Chí Minh, Đàm Vĩnh Hưng đã có đêm diễn ở Hà Nội với trang phục thay đổi hoàn toàn. Ở Hà Nội, Hưng đúng nghĩa đã "thắp sao trời". Giá như, ở TP Hồ Chí Minh, Hưng lựa chọn trang phục đẹp như thế thì trọn vẹn cho "sao trời" biết bao nhiêu.
Một câu hỏi được không ít người đặt ra là ở vị trí của đạo diễn sân khấu, người được xem là "tổng tài" của một đêm diễn, tại sao đạo diễn Trần Vi Mỹ không nhắc nhở Hưng thay đổi bộ đồ ngay từ đầu, nhất là khi Vi Mỹ rất thân với Hưng? Nhưng, ít ai hiểu, Vi Mỹ không hẳn đã chiều Đàm Vĩnh Hưng. Đạo diễn chỉ làm tròn bổn phận của mình trong khả năng có thể bởi anh hiểu, không thể nói một ngôi sao đừng làm cái điều mà ngôi sao ấy đang thích.
Đó là một thực tế không chỉ của showbiz Việt mà nó còn là tình trạng chung của thế giới giải trí toàn cầu. Khi đã lên đến đỉnh cao của danh vọng, đa số nghệ sĩ không thèm nghe bất kỳ lời khuyên nào. Thành công rực rỡ đã khiến họ ảo tưởng rằng "Tôi chính là chân lý".
Có một hiện tượng mà rất nhiều lần chúng ta được chứng kiến tới mức ta xem nó như chuyện thường tình. Ấy là khi một nghệ sĩ rực sáng bất ngờ và trở thành ngôi sao, nghệ sĩ ấy sẽ dần dà đi vào con đường từ bỏ những người từng hỗ trợ mật thiết mình trước đây như nhà quản lý, nhà sản xuất. Nếu hỏi những nhà quản lý, nhà sản xuất lão làng ở Việt Nam, ta sẽ nhận được câu trả lời chung đại loại "khi họ chưa nổi danh, mình bảo gì nghe nấy. Nhưng, khi họ thành danh rồi, họ lại bảo gì mình phải nghe nấy".
Quá nhiều ca tụng vây quanh đã dẫn tới sự mù quáng đó của giới ngôi sao và dần biến họ trở thành những kẻ "khiếm thính". Mức độ "khiếm thính" càng cao, họ càng ngông cuồng hơn. Nghệ sĩ vốn dĩ luôn có cái cao ngạo riêng nhưng để cái cao ngạo đó được nuôi dưỡng thành sự ngông cuồng thì lại là chuyện khác. Trước khi nổi tiếng, họ cũng ý thức được không nên ngông cuồng như thế, qua các dẫn chứng có thật của showbiz. Song, khi hào quang đã che mờ tất cả tầm nhìn, ít người trong số họ giữ được cái ý thức ấy để tự răn mình rằng: "Kiêu kỳ, cao ngạo một chút là ổn nhưng ngông cuồng, kiêu ngạo thì nguy hiểm vô cùng".
2.Cách đây vài năm, trong một tranh cãi ồn ào trên mạng xã hội, Đàm Vĩnh Hưng từng có một tuyên bố khiến không ít người sững sờ. Anh cho rằng mình là "vùng đất cấm" với lời đe dọa hướng tới đối tượng rằng "Các chiến binh của tao ở khắp mọi nơi". Tuyên bố ấy, cùng với danh xưng "Đàm tướng quân" trên mạng xã hội mà Hưng tự đặt cho mình thực tế rất có hại cho bản thân Hưng. Tuy vẫn là ngôi sao giải trí hàng đầu, nhưng vị trí số 1 của Hưng bây giờ đã không còn nữa. Chuyện bán sạch vài ngàn vé một đêm diễn không đủ minh chứng Hưng vẫn là số 1 bởi nhiều ngôi sao khác ít tên tuổi hơn Hưng cũng vẫn bán sạch vé như thế. Nhưng, nếu nhìn vào những dự án của Hưng vài năm qua, không hiểu rằng anh có nhận ra nó không còn sức ảnh hưởng nữa và gần như dự án nào cũng gặp "tai nạn". Mà "tai nạn" đó từ đâu mà ra? Từ sự ngông cuồng đến thái quá của chính anh chứ không phải ai khác.
Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng là một minh chứng cho "ông sao khiếm thính" duy nhất cho showbiz Việt mà còn nhiều trường hợp khác nữa. "Cái tát của mẹ" mà Xuân Bắc "vả" vào mặt những khán giả phê bình đúng mực sau chương trình "Táo quân" hồi đầu năm 2023 chính là một dạng khác của "ông sao khiếm thính". Không thèm nghe góp ý, không thèm quan tâm tới phản ứng trái chiều có thể xảy ra, chỉ cần biết "tôi là chân lý nên tôi có quyền tuyên ngôn như vậy". Sau đó, chúng ta nhận thấy sự nghiệp của Xuân Bắc đã như thế nào? Rõ ràng, Bắc đã lặng lẽ hơn rất nhiều, nhất là khi khán giả cũng có những quay lưng lại với người đã cả gan "tát" họ như "mẹ".
Một nhân vật được xem là "ông sao khiếm thính" điển hình khác chính là Trấn Thành. Những ai từng làm việc chung với Thành sẽ nhận thấy sự biến chuyển rõ rệt của Thành trong vòng hơn 10 năm qua. Khi còn chưa là ai trong giới showbiz, Thành "ngoan, xinh, yêu" bao nhiêu thì khi thành ngôi sao, anh "sao sao" bấy nhiêu. Bị khán giả chê, Thành đáp trả đại ý kiểu không xem được thì tắt tivi. Và, anh không chỉ ngạo mạn, ngông cuồng đối với khán giả đơn thuần mà ngay cả với đồng nghiệp anh cũng chẳng xem ra gì.
Tham gia game show, đùa vui tếu táo là chuyện bình thường, nhưng bỡn cợt tới mức quá đà thì chỉ có những người tự xem mình là bề trên người khác mới dám làm điều đó. Và, Thành đã làm, khi anh mô tả ngoại hình của Đức Phúc đồng thời nói đồng nghiệp là con hải ly hay như khi anh khuyên Tóc Tiên bỏ chồng. Vô duyên vô cùng nhưng khi bị chỉ trích, anh thách thức khán giả theo kiểu hào quang cay đắng lắm, thử nếm đi rồi biết. Chưa dừng ở đó, anh ngạo mạn lộng ngôn nói rằng ở Việt Nam không có trường đào tạo diễn viên ra hồn và điều đó không khỏi khiến nhiều nghệ sĩ chân chính từng tốt nghiệp ở những trường điện ảnh, sân khấu nước nhà phải bức xúc.
Một cái lạ là bệnh "ông sao khiếm thị" này cũng rất dễ lây từ các "ông sao" sang đội ngũ "lâu la" của họ. Hưởng sái cái hào quang ảo của nhân vật chính, một số "lân tinh" cũng nghĩ mình có quyền lực ảo ấy, nhất là khi đội ngũ hâm mộ hùng hậu của nhân vật chính cũng có xu hướng bênh vực người thân của nhân vật chính. Điển hình như một nữ MC, được xem là cực thân với một danh hài nhiều vạ miệng. Cô này tuyên ngôn trên mạng xã hội như mẹ thiên hạ, với giọng kiêu ngạo dạy dỗ khắp chốn để tôn vinh cái đài các ảo tưởng của mình. Kết cục, cô đã bị Sở Thông tin, Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử lý vi phạm khi có phát ngôn gây mâu thuẫn, chia rẽ và kích động đúng vào thời điểm xã hội đang có những sự kiện nhạy cảm.
Do đâu mà căn bệnh "ông sao khiếm thính" lại nảy sinh trong giới showbiz nhiều đến vậy? Nhiều người sẽ dễ nghĩ đến lý do vì họ nổi tiếng quá, được nhiều người hâm mộ chiều chuộng quá nên nghĩ rằng mình là số 1, là duy nhất. Tuy nhiên, có khá nhiều ngôi sao được xem là số 1 ở lĩnh vực, ở trường phái của mình và cũng có vô cùng nhiều người hâm mộ lại vẫn giữ được sự điềm tĩnh, nét tinh tế mà vẫn không hề làm mất đi cái kiêu hãnh của một ngôi sao.
Điển hình như Hà Anh Tuấn. Phát ngôn của Tuấn thực sự rất thu hút và nó thể hiện chiều sâu của một cá nhân. Tuấn không nói nhiều, thậm chí khá kiệm lời. Song, khi phát ngôn, Tuấn càng tỏ rõ ra bên ngoài sự lịch lãm của mình. Từ đó, anh ngày càng được khán giả yêu mến hơn. Hoặc, như Tùng Dương. Anh không phát ngôn tinh tế kiểu Hà Anh Tuấn, mà nhiều khi thẳng thắn, thậm chí có thể tạo sóng
Nhưng, trong những phát ngôn đó vẫn hàm chứa những quan điểm đáng được tôn trọng, đáng suy ngẫm và cơ bản nhất, ngôn ngữ phát ngôn dù có kiêu hãnh nhưng không ngạo mạn. Tại sao lại có sự khác biệt này? Thật không khó để chỉ ra nguyên nhân. Tất cả đều đến từ văn hóa nền, phông kiến thức và tinh thần lắng nghe, cầu thị từ những người xung quanh, đặc biệt là những người có chuyên môn sâu.
Nói chung, học là một quá trình miệt mài tự thân. Và, chính việc không chịu học đã khiến những "ngôi sao" trở thành "ông sao khiếm thính". Buồn thay, như vòng luẩn quẩn con gà - quả trứng, càng tỏ ra "khiếm thính", họ càng từ chối học hỏi và căn bệnh của họ ngày một trầm kha hơn.