Siết chặt an toàn lao động tại các công trình xây dựng

Sự cố tuột cẩu tháp tại công trình thi công tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên. Ảnh: THỦY TIÊN

Đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong xây dựng công trình luôn được quan tâm vì hậu quả gây ra của nó thường rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những sự cố trong quá trình thi công, gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này.

Tai nạn rình rập

Thống kê từ Sở Xây dựng, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người bị thiệt mạng do tai nạn lao động trong quá trình thi công các công trình xây dựng. Sở Xây dựng cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý chất lượng và ATLĐ tại 630 công trình, hạng mục công trình trên toàn tỉnh.

Mới đây, trong quá trình thi công tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên tại phường 4 (TP Tuy Hòa) một cần tháp dài khoảng 30m đưa từ tầng 20 xuống đất, khi đến tầng 5 thì gặp sự cố, làm thiệt hại 1 trạm biến áp điện, hỏng chốt đèn giao thông.

Ông Phạm Văn Thọ, một người bán hàng cạnh khu vực đang thi công dự án này cho biết: Nhiều tháng nay, khi thi công các hạng mục trên tầng cao, nhà thầu này thường xuyên di chuyển cần cẩu dài vươn ra khỏi công trường, “treo” lơ lửng trên đầu người dân qua lại quanh khu vực này, uy hiếp đến tính mạng nhiều người. Mới đây, cần cẩu gặp sự cố và rơi xuống đất, rất may không làm ai bị thương. Nhưng sự cố này khiến bà con xung quanh hoảng hốt một phen.

Chủ tịch UBND phường 4 Nguyễn Chí Trị cho hay: Trước thực trạng nhà thầu thi công tòa nhà hỗn hợp này thường xuyên “treo” lơ lửng cần cẩu trên không trung, người dân địa phương đã kiến nghị đến phường và chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực. Phía Công ty CP Conric Phú Yên, chủ đầu tư dự án The Light Phú Yên đã có báo cáo với địa phương về việc triển khai thi công dự án, có xin phép sử dụng tạm thời vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu, đảm bảo an toàn giao thông khi ra vào công trình… nhưng không có báo cáo về việc đưa cần cẩu vươn ra khỏi phạm vi công trường cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi hoạt động cần cẩu. Đặc biệt, nhà thầu thi công cho hạ cẩu đúng vào khoảng thời gian xe cộ qua lại đông đúc nên rất nguy hiểm.

Tương tự, hồi cuối tháng 4, tại công trình đang thi công một dự án bất động sản lớn trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) cũng xảy ra sự cố sập sàn bê tông, rất may thời điểm đó đã tan ca, không có công nhân tại công trường, nên không có người bị thương.

Trong khi đó, tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân, phần lớn lao động làm việc là lao động phổ thông, quá trình thi công không có giám sát, chỉ huy công trình… nên vấn đề ATLĐ càng không được chú ý. Hầu hết người lao động không có đồ bảo hộ, các biện pháp thi công tạm bợ, rất mất an toàn nên hiểm nguy luôn rình rập.

Ông Lê Văn Sáu ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) làm nghề thợ hồ cho biết: Tháng 3 vừa rồi, trong lúc đang đứng trên mái tôn của chái hiên tầng 1 để kéo hồ lên thì hiên bị sập, tôi và một người nữa bị rơi xuống nền đất phía dưới. Rất may phía dưới không có đá hay vật sắc nhọn nên chỉ bị gãy tay.

“Trong hơn 10 năm làm thợ hồ, bản thân tôi đã bị tai nạn đến 3 lần và chứng kiến không biết bao nhiêu bạn hồ bị tai nạn. Có người may mắn chỉ bị gãy tay, chân, nhưng cũng có người phải nằm liệt, thiệt mạng. Phần lớn tai nạn xảy ra là do điều kiện làm việc mất an toàn, đặc biệt là các giàn giáo để công nhân thi công trên cao không đảm bảo, công nhân không được trang bị dây đeo bảo hộ…”, ông Sáu cho biết thêm.

Cần chấn chỉnh

Trước những sự cố xảy ra trong quá trình thi công ở các công trình trong thời gian gần đây, Sở Xây dựng đã thành lập tổ công tác thực hiện điều tra, đánh giá về nguyên nhân gây ra sự cố và việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong công tác đảm bảo ATLĐ tại các công trình. Riêng công trình tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên đang phải tạm dừng sử dụng các thiết bị cần cẩu mi ni và cần tháp, tạm dừng thi công khu vực tầng 20 của công trình để điều tra nguyên nhân sự cố.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Để hạn chế sự cố, tai nạn lao động trong thi công xây dựng, các chủ đầu tư phải siết chặt quản lý, yêu cầu các nhà thầu phải chấp hành nghiêm túc quy định về ATLĐ và vệ sinh môi trường. Các công trình khi triển khai xây dựng phải được chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch ATLĐ với các biện pháp an toàn cho người và công trình trong quá trình thi công, trên công trường phải có cán bộ kỹ thuật phụ trách ATLĐ, các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm về ATLĐ phải được kiểm định…

Cùng với đó, sở cũng tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo ATLĐ tại các công trình đang xây dựng trên toàn tỉnh thông qua các đợt kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất; lồng ghép trong những đợt kiểm tra chất lượng, nghiệm thu… Bình quân mỗi năm, sở sẽ tổ chức kiểm tra khoảng 350-400 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đơn vị còn phối hợp mở các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, ATLĐ và vệ sinh môi trường trong thi công công trình xây dựng… cho các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/255924/siet-chat-an-toan-lao-dong-tai-cac-cong-trinh-xay-dung.html