Siết chặt quản lý đối với xe điện bốn bánh

Dù mới được thành phố cho phép đưa vào vận hành thí điểm 50 xe điện bốn bánh phục vụ du khách, nhưng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã 'chủ động' tăng gấp đôi số lượng xe, trong khi điều kiện bến bãi, nguy cơ cháy nổ chưa bảo đảm. Ðiều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý hơn nữa, không để doanh nghiệp và người dân tùy tiện đưa loại hình phương tiện này vào sử dụng.

Dịch vụ vận chuyển khách bằng xe điện tại khu vực chùa Hương.

Dịch vụ vận chuyển khách bằng xe điện tại khu vực chùa Hương.

Tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho triển khai thí điểm 50 xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Toàn bộ số xe thí điểm được giao cho Công ty Chùa Hương Xanh thực hiện. Theo phương án được duyệt, xe điện sẽ đón hành khách tại ba điểm cách bến Yến từ 1,7km đến 3km. Tại ba điểm đón này hình thành bốn bãi trông giữ phương tiện. Tất cả phương tiện đến chùa Hương như xe khách, xe du lịch, xe cá nhân buộc phải gửi tại bốn bãi xe này, sau đó hành khách sử dụng xe điện hoặc đi bộ vào khu di tích.

Với giá vé hợp lý, chỉ 10.000 đồng/lượt, xe điện chở khách được đánh giá khá thuận tiện và góp phần giảm ùn tắc các lối vào chùa Hương. Tuy nhiên, những ngày bình thường do vắng khách, cho nên xe điện đi nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của khách, nhưng ngày cuối tuần phục vụ không xuể, khách phải chờ đợi rất lâu. Anh Phạm Văn Hùng ở huyện Mê Linh cho biết: "Cuối tuần vừa rồi, tôi đưa cả nhà đi chùa Hương, phải chờ 45 phút mới lên được xe điện".

Lãnh đạo Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, để bảo đảm trật tự, đường vào khu di tích đã được phân luồng từ xa với ba tuyến xe điện và một tuyến đường đi bộ. Du khách nếu không muốn đi xe điện thì có thể đi bộ. Tuy nhiên, từ điểm đón của xe điện vào bến Yến gần nhất cũng 1,7km, cho nên hầu như mọi người đều sử dụng xe điện dù phải chờ khá lâu.

Ðể đáp ứng nhu cầu của người dân, đơn vị quản lý là Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã "chủ động" cho phép Công ty Chùa Hương Xanh tăng số xe lên 110 xe để phục vụ khách. Cũng do đưa vào vận hành cập rập, cho nên luồng tuyến hoạt động của xe điện ở chùa Hương chưa quy củ, chưa có điểm dừng đỗ đón, trả khách, mà khách muốn xuống ở đâu thì lái xe dừng ở đó. Có lúc xe buộc phải chở quá số người định do khách đi theo đoàn, muốn đi cùng nhau, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông.

Việc tổ chức thí điểm xe điện bốn bánh chở khách tại chùa Hương hay bất cứ khu vực nào cũng phải tính toán trên cơ sở khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tự ý tăng thêm 60 xe điện dẫn đến nhiều vấn đề khác cần lưu tâm. Thí dụ như việc quản lý nguồn thu ngân sách, hay bến bãi đỗ, nguy cơ cháy nổ… Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh ký cam kết bảo đảm các quy định về bến bãi, trật tự, an toàn giao thông đối với xe điện bốn bánh. Nhưng nếu xảy ra sự cố, gây mất an toàn với 60 xe tăng cường chưa được cập nhật, liệu có đủ căn cứ để truy trách nhiệm của doanh nghiệp?

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), việc tăng số lượng xe điện bốn bánh thí điểm vận chuyển khách tại chùa Hương thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa nhận được thông tin về việc tăng xe từ phía địa phương, cũng chưa tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận việc tăng xe; địa phương tự ý yêu cầu tăng số lượng xe điện là sai quy định. Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Ðức cho biết, huyện có Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 7/2/2023 về việc đề nghị tăng thêm số lượng xe bốn bánh chạy điện phục vụ vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được thành phố chấp thuận.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp huyện Mỹ Ðức, Công an thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của xe điện bốn bánh thí điểm hoạt động tại chùa Hương; yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh xây dựng phương án kinh doanh bảo đảm an toàn giao thông, báo cáo với cơ quan chức năng.

Xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách là một loại hình hiện đại, văn minh, có nhiều ưu điểm phù hợp các khu di tích, thắng cảnh, du lịch… Việc thí điểm xe điện chở khách tại chùa Hương trong mùa lễ hội Xuân 2023 là rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. Tuy nhiên, xe điện bốn bánh cũng là một loại hình đặc thù, còn mới và chưa thể lường hết những vấn đề có thể nảy sinh. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép 13 địa phương thí điểm xe điện bốn bánh chở khách tại các khu du lịch, di tích, trong đó có Hà Nội. Loại hình này được thành phố Hà Nội cho phép hoạt động thí điểm, trong khu vực phố cổ phục vụ khách du lịch từ tháng 6/2010. Ðến nay, trên địa bàn thành phố có sáu doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại bốn khu vực hạn chế, gồm: Khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; khu vực Hồ Tây; khu vực chùa Hương. Việc quản lý phương tiện, xây dựng kế hoạch vận hành của xe điện bốn bánh cần được làm rất chặt chẽ, nếu không sẽ ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng buông lỏng, để doanh nghiệp và người dân tự ý sử dụng, kinh doanh loại hình phương tiện này một cách tràn lan gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-chat-quan-ly-doi-voi-xe-dien-bon-banh-post740155.html