Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích

Việc quản lý quỹ đất công ích đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu ngân sách địa phương, đảm bảo công bằng xã hội. Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, đặt ra yêu cầu tiếp tục siết chặt hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Cho thuê đất công ích để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi gia cầm, thủy sản phát huy hiệu quả của đất ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy.

Cho thuê đất công ích để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi gia cầm, thủy sản phát huy hiệu quả của đất ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy.

Đất công ích là diện tích thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình công cộng tại cơ sở (bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang...) nhưng không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản của địa phương. Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý quỹ đất công ích thuộc UBND cấp xã. Đối với diện tích đất công ích chưa sử dụng, UBND xã, phường, thị trấn có quyền cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá trong thời hạn không quá năm năm. Toàn tỉnh hiện có 8.300ha đất công ích do UBND cấp xã quản lý.

Thực tế cho thấy, tình hình quản lý đất công ích còn một số hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tự phát để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, cho mượn hoặc bỏ hoang hóa, cho thuê nhưng không có hợp đồng, tình trạng ký hợp đồng giao thầu, khoán, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, đối tượng, thời hạn quy định pháp luật còn diễn ra. Nguồn thu từ đất công ích còn hạn chế, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý, làm phát sinh đơn thư khiếu nại trong quá trình thu hồi đất...

Để từng bước đưa quỹ đất này vào quản lý, sử dụng hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị rà soát, thống kê chi tiết từng thửa đất, làm rõ thực trạng quản lý, thiết lập bộ hồ sơ quản lý quỹ đất công ích đồng bộ.

Đồng chí Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4099/UBND-KTN ngày 13/9/2018 về việc quản lý diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận, Văn bản số 5421/UBND-KTN ngày 03/12/2020 về việc quản lý, sử dụng đất công ích và thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 2147/UBND-NNTN ngày 13/6/2023 về việc quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh, trong đó đã chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, xác định rõ nguồn gốc, tính pháp lý của những thửa đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn (đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích, đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...), trên cơ sở đó thực hiện quản lý, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện đăng ký đất đai theo quy định; tiến hành rà soát, thống kê chi tiết từng thửa đất công ích, làm rõ thực trạng quản lý, thiết lập bộ hồ sơ quản lý quỹ đất công ích đồng bộ theo quy định...

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã ký hợp đồng thuê đất với chủ hộ đó (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) đối với diện tích đất công ích nằm chung trong thửa đất đã giao cho các gia đình, cá nhân. Đối với diện tích đất công ích chưa giao, chưa cho thuê, UBND cấp xã tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để ký hợp đồng thuê đất với gia đình, cá nhân. Các hợp đồng thuê đã ký nhưng không đúng quy định vượt thời hạn, sai mục đích... UBND xã thương thảo để ký lại hợp đồng theo quy định.

Các địa phương có nhiều quỹ đất công ích phân tán, manh mún, lẫn với đất giao cho gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài phải khuyến khích việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, tập trung gọn thừa, gọn vùng nhằm thuận lợi cho quản lý và sử dụng; khuyến khích nhân dân canh tác, không để lãng phí đất đai. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xác định rõ trên hồ sơ và thực địa đối với đất công ích; tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm xảy ra.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-su-dung-dat-cong-ich/207555.htm