Siết chặt quản lý taxi ngoại tỉnh

Mặc dù Hà Nội vẫn trong thời gian giãn cách xã hội, xe taxi không được hoạt động, tuy nhiên câu chuyện taxi tỉnh ngoài thường xuyên chạy ở Hà Nội vẫn chưa hết 'nóng'.

Taxi Sao Thủ đô được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách tại hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên nhưng hoạt động chủ yếu tại Hà Nội. Ảnh: VŨ KHOA

Taxi Sao Thủ đô được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách tại hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên nhưng hoạt động chủ yếu tại Hà Nội. Ảnh: VŨ KHOA

Vừa qua, tám hãng taxi bao gồm: Sao Việt, Sao Thủ đô Group, Hà Nội sao, 24h, Trôi Phùng, Hà Đông, Phù Đổng, 25 (có địa chỉ đăng ký tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên) lại có đơn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu cho những xe taxi thường xuyên hoạt động trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo vệ quyền lợi kinh doanh và bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải. Các hãng taxi này cho rằng, việc cấp phù hiệu cho hàng nghìn taxi ngoại tỉnh đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần bù đắp số lượng taxi đang thiếu hụt tại Hà Nội; đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, tình trạng taxi đăng ký phù hiệu một nơi, hoạt động một nơi vi phạm nghiêm trọng điều kiện kinh doanh taxi. Ước tính, tại Hà Nội hiện có hơn 3.000 taxi ngoại tỉnh hoạt động. Nhiều đơn vị mang xe hết niên hạn sử dụng ở khu vực đô thị đặc biệt (quy định niên hạn xe taxi tại Hà Nội là tám năm) để về đăng ký kinh doanh tại các tỉnh (quy định niên hạn taxi tại các tỉnh là 12 năm) rồi đưa xe quay lại Hà Nội hoạt động. Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất Bộ GTVT kiểm tra việc cấp phù hiệu taxi tại các tỉnh cho những xe đã hết niên hạn để sử dụng tại Hà Nội.

Theo đại diện Công ty cổ phần Mai Linh miền bắc, hàng nghìn taxi ngoại tỉnh được các địa phương khác cấp phù hiệu nhưng lại hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thủ đô gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay chưa được xử lý hiệu quả.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thông tin, một số đơn vị không được cấp phép hoạt động ở Hà Nội đã đăng ký kinh doanh taxi tại các tỉnh lân cận, sau đó đưa xe quay lại hoạt động tại Hà Nội, làm gia tăng mật độ phương tiện. Bởi hiện nay địa bàn thành phố có 19.265 phương tiện được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”, thuộc quản lý của 74 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Đồng thời, có 15.305 đơn vị kinh doanh vận tải với 61.154 xe hợp đồng và xe du lịch, trong đó có 43.452 xe hợp đồng dưới chín chỗ.

Bên cạnh đó, số taxi này thường xuyên hoạt động tại cổng nhà ga, bến xe, bệnh viện… gây ùn tắc giao thông. Nhiều phương tiện cố tình che, làm mờ biển số để né tránh bị xử lý vi phạm qua hình ảnh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, giám sát. “Doanh nghiệp đăng ký ở địa phương nào thì phải phục vụ tối thiểu 70% tổng thời gian tại địa phương đó. Hà Nội không “ngăn sông cấm chợ” nhưng phải phù hợp kế hoạch phát triển và điều kiện hạ tầng. Thành phố tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh taxi nhưng phải trên cơ sở chấp hành quy định của pháp luật, không để xảy ra mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp các lực lượng của Công an thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long khẳng định.

Trong khi đó, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, xe taxi Hà Nội khi vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ phạt lái xe, đề xuất thu hồi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. Nhưng với taxi ngoại tỉnh, chỉ có thể xử phạt với lái xe, không thể thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần gửi công văn đến Sở GTVT các tỉnh đề nghị phối hợp, tuy nhiên hiệu quả không cao, không xử lý dứt điểm được vướng mắc.

Theo cơ quan quản lý, khó khăn lớn nhất trong xử lý xe taxi ngoại tỉnh hiện nay là chưa có phần mềm quản lý hoạt động của taxi, chủ yếu là áp dụng các biện pháp thủ công để xác định thời gian hoạt động của phương tiện trên địa bàn. Để tăng cường hiệu quả kiểm tra, xử lý, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị các địa phương liên quan rà soát, xử phạt doanh nghiệp không chấp hành quy định. Đồng thời kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT hoàn thiện tính năng tra cứu trên hệ thống phần mềm quản lý để xử lý phương tiện vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải.

Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu của người dân sử dụng taxi sụt giảm rất nhiều. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, cùng với việc cạnh tranh không lành mạnh, không chấp hành đúng quy định của các xe taxi ngoại tỉnh, cho nên Hiệp hội Taxi Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội có phương án xử lý xe taxi ngoại tỉnh hoạt động chủ yếu tại Hà Nội. “Như vậy, việc đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe taxi của các đơn vị vận tải nêu trên tại thời điểm này là chưa phù hợp”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/siet-chat-quan-ly-taxi-ngoai-tinh-664053/