Siết chặt quy định bảo vệ thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân là tài sản có giá trị đặc biệt đối với mỗi cá nhân, tổ chức, thậm chí với cả quốc gia nên được bảo vệ bởi quy định của pháp luật. Ở nước ta, mặc dù việc thu thập, sử dụng, bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… nhưng vẫn được rao bán, trao đổi một cách công khai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Công khai mua bán thông tin cá nhân

Hằng ngày, khi đang làm việc hay tham gia giao thông... nhiều người bỗng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn, thư điện tử (email) từ số điện thoại, email lạ mời chào mua bất động sản, bảo hiểm… Một trường hợp nữa cũng khá phổ biến là khi mua vé máy bay, sau khi cung cấp số điện thoại, số chứng minh nhân dân, email cho các đại lý bán vé thì trước ngày bay, khách hàng thường nhận được rất nhiều tin nhắn của các hãng tắc-xi mời chào dịch vụ đưa, đón tại sân bay. Điều đó đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ lọt? Các thông tin cá nhân này còn được cung cấp cho những ai, tổ chức nào?…

Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi vào trang tìm kiếm google.com và gõ từ khóa “mua thông tin khách hàng”, chỉ sau 0,29 giây, chúng tôi nhận được khoảng 302 triệu kết quả là đường link (đường dẫn) đến các trang web mua bán, trao đổi thông tin cá nhân. Kích chuột vào đường link databasekhachhang.blogspot.com, datakhachhang.net, sites.google.com/site/banhangdotpha/danh-sach-khach-hang-free…, chúng tôi được giới thiệu nhiều gói khách hàng với giá từ 800.000 đồng đến 6 triệu đồng. Liên hệ với số điện thoại 0938.081… được công khai trên trang datakhachhang.net, chúng tôi được một người đàn ông tên Nam nhắn tin báo giá lại như sau: 10.000KH (khách hàng) cập nhật tháng 3-2019, giá 2 triệu đồng; 10.000KH cập nhật tháng 5-2019, giá 3 triệu đồng; 10.000KH cập nhật tháng 6-2019, giá 6 triệu đồng. Còn người phụ nữ tên Nhâm, có số điện thoại 0973.913… công khai trên trang databasekhachhang.blogspot.com cho biết, các gói khách hàng đều có giá 800.000 đồng, nếu cần mua thì chuyển khoản qua ngân hàng và sẽ nhận được dữ liệu qua email.

Đáng chú ý, trang sites.google.com/site/banhangdotpha/danh-sach-khach-hang-free còn có gói danh sách "khách hàng" là lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao và tòa án nhân dân các tỉnh. Để kiểm tra tính xác thực của những thông tin cá nhân trên trang này, chúng tôi gọi ngẫu nhiên vào số 0913.519… thì được người nghe giới thiệu là phó chánh án tòa án nhân dân một tỉnh phía Bắc, đúng như thông tin ở trang web trên.

Cần tăng chế tài xử phạt

Việc để rò rỉ thông tin cá nhân đã và đang gây phiền phức cho người dân và nguy hiểm hơn nếu thông tin bị kẻ gian lợi dụng phục vụ các hoạt động phạm pháp, như làm giả thẻ tín dụng, tống tiền, bắt cóc… Trước những nguy cơ này, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành đều có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền ở mức từ 50 đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, những người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt: Phạt tiền từ 30 triệu đến một tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Thông tin cá nhân ngày càng trở nên quan trọng nhưng chế tài xử phạt hành vi mua bán, trao đổi thông tin cá nhân trái phép còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn diễn ra công khai, phức tạp. Ngoài ra, do vướng mắc một số quy định pháp lý nên nhiều năm qua, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) không thể xử lý hình sự, phải chuyển hồ sơ cho thanh tra các sở thông tin và truyền thông xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, hành vi mua bán thông tin cá nhân thường được giao dịch trên môi trường internet, do đó có những khó khăn nhất định khi xác định chủ thể có hành vi vi phạm. Bản thân những người bị mua bán thông tin cũng không biết thông tin của mình bị mua bán để làm đơn đề nghị tính giá trị tổn thất và quy trách nhiệm...”.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán thông tin cá nhân trái phép, các cơ quan thực thi pháp luật cần điều tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Cùng với đó, để thuận tiện cho việc xử lý, các ngành chức năng cần thống nhất đề xuất xây dựng, sửa đổi các quy định của pháp luật, tháo gỡ những điểm còn vướng mắc. Về phía người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng mỗi khi cung cấp thông tin cá nhân.

LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/siet-chat-quy-dinh-bao-ve-thong-tin-ca-nhan-582294