Siết chặt thêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo

Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo.

Lực lượng chức năng tiêu hủy pháo tàng trữ trái phép

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Nghị quyết quyết nghị, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong quý IV năm 2020.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết, triển khai thi hành Nghị định 36/2009/NĐ-CP, công tác quản lý, sử dụng pháo đã đạt những kết quả quan trọng: Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn, kiềm chế; nhận thức, ý thức chấp hành của nhân dân về công tác này được nâng lên rõ rệt; tình trạng đốt pháo tràn lan, đốt pháo trên đường giao thông, khu dân cư được ngăn chặn kịp thời...

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.

Bộ Công an cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Nghị định 36/2009/NĐ-CP còn chưa đầy đủ; nhiều hành vi liên quan đến pháo hiện nay gây nguy hiểm cho xã hội nhưng lại chưa được quy định; chưa quy định cụ thể danh mục các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng tại Việt Nam...

Do vậy, Bộ Công an dự thảo đề xuất 9 hành vi bị nghiêm cấm sử dụng pháo gồm, trong đó có việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng pháo nổ;

Mang pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. bLợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Các hành vi bị nghiêm cấm khác cũng bao gồm việc che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép…

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/siet-chat-them-cac-quy-dinh-ve-quan-ly-su-dung-phao-post95313.html