Siết chuẩn đầu ra ngoại ngữ
Nhiều sinh viên năm cuối ở các trường đại học (ĐH) không thể tốt nghiệp đúng hạn do 'nợ' chứng chỉ ngoại ngữ. Để hạn chế tình trạng này, các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang đưa ra các giải pháp về đổi mới đào tạo, kiểm tra đánh giá để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (chứng chỉ VSTEP) được áp dụng để xét đầu ra cho sinh viên trình độ ĐH ban hành theo quyết định số 1982/QĐ-TTg năm 2016. Theo đó, sinh viên trình độ ĐH cần đạt năng lực tiếng Anh từ bậc 3/6, tương đương với trình độ B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu - CEFR hoặc IELTS 5.0. Chứng chỉ B1 là tiêu chuẩn tối thiểu mà phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH áp dụng để đánh giá điều kiện ngoại ngữ đầu ra. Riêng ngành ngôn ngữ là bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Ngoài ra, mỗi trường ĐH có những điều chỉnh khác nhau về chuẩn đầu ra ngoại ngữ; bao gồm việc áp dụng quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL cùng chứng chỉ các ngôn ngữ khác. Sinh viên có thể lựa chọn một trong số chứng chỉ này hoặc thi nội bộ tại trường để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu sinh viên phải đủ từ 500 điểm TOEIC trở lên mới có thể tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng phải đạt yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ theo tín chỉ tích lũy; trường hạn chế khối lượng học tập của sinh viên trong trường hợp không đạt chuẩn ngoại ngữ hay yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh mới được làm luận văn tốt nghiệp... Thống kê cho thấy, mỗi năm, trường chỉ có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học, nợ môn hoặc không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh nên chưa thể tốt nghiệp.
Trường ĐH Tài chính – Marketing thông tin, hàng năm có khoảng 20% sinh viên nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh. Trong khi đó, có hơn 20% sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM nợ chuẩn này. Được biết, chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường là TOEIC 450 điểm với hệ đại trà và 650 điểm với hệ chất lượng cao.
Trên thực tế, chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhiều trường đưa ra so với thang bảng so sánh mức điểm chuẩn của châu Âu chỉ ở mức trung bình, nhưng vẫn có không ít sinh viên gặp khó trong việc hoàn thành chuẩn theo quy định và bị tốt nghiệp muộn. Một trong những lý do là vì các em cho rằng các chứng chỉ thường chỉ có thời hạn trong vòng 2 năm nên đến năm 3, 4 mới tập trung ôn tập. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau như vướng lịch làm thêm, nỗi sợ học ngoại ngữ… nên sinh viên vẫn chậm trễ trong việc hoàn thành chứng chỉ. Thiếu chủ động trong kế hoạch học tập và sự chủ quan của bản thân đang khiến nhiều sinh viên chưa thể cải thiện khả năng ngoại ngữ.
Có một thực tế hiện nay là phần lớn học sinh đã được học tiếng Anh từ rất sớm trong nhà trường, với chương trình bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình tự chọn. Tuy nhiên, do lớp học đông, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu dạy học ngoại ngữ nên dù học xuyên suốt hàng chục năm, vẫn có những học sinh không nghe - nói được tiếng Anh.
TS Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, giải pháp của nhà trường đó là ngay sau khi nhập học, sinh viên sẽ được kiểm tra đầu vào ngoại ngữ sau đó sẽ phân loại và sắp xếp vào các lớp học phần theo đúng khả năng, trình độ năng lực. Nhà trường lựa chọn giảng viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp cho sinh viên nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ, giúp các em không chỉ thuận lợi tốt nghiệp nhờ không nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ mà còn đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của nhà tuyển dụng. Trường đặt mục tiêu bảo đảm nền tảng và vốn ngoại ngữ đủ để giao tiếp (nghe - nói) trong việc đào tạo nhân lực hướng tới thị trường lao động mở và hội nhập.
Để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, về phía nhà trường cần đổi mới chương trình giảng dạy ngoại ngữ, phân luồng sinh viên theo trình độ và tổ chức các khóa học ngoại ngữ theo các cấp độ khác nhau để sinh viên được học tập phù hợp với khả năng của mình. Chương trình học cần chú trọng về tính ứng dụng với nội dung giảng dạy hướng đến phát triển kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế. Việc kiểm tra đánh giá cũng cần đổi mới theo hướng toàn diện bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-chuan-dau-ra-ngoai-ngu-10293556.html