Siết quy định kiểm dịch, phát hiện 1.319 tấn thịt nhập khẩu nhiễm Salmonella

Siết quy định kiểm dịch, Việt Nam phát hiện 1.319 tấn thịt động vật nhiễm Salmonella, vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Sau bốn tháng siết chặt quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT cho biết đã phát hiện 55 trong tổng số 6.679 lô hàng xét nghiệm Salmonella cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh đường ruột này.

Số thực phẩm này, dù chỉ chiếm gần 1% trong tổng số lô xét nghiệm, nhưng tính theo khối lượng là 1.319 tấn thịt. Nếu lọt lưới thì nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đây là kết quả triển khai Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực từ ngày 16-5.

 Việc triển khai Thông tư số 04 của Bộ NN&PTNT về tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn không làm ảnh hưởng đến số lượng thịt động vật từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Việc triển khai Thông tư số 04 của Bộ NN&PTNT về tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn không làm ảnh hưởng đến số lượng thịt động vật từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Ảnh minh họa

7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu trên 450 nghìn tấn thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 6,4%. Riêng đối với các sản phẩm thịt là trên 320 nghìn tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Việt Nam tăng cường kiểm dịch đã dẫn tới một số phản ứng từ bên ngoài. Trước vấn đề này, Cục Thú y đã có các cuộc họp trao đổi với Tham tán nông nghiệp và cán bộ của đại sứ quán một số nướcc, New Zealand, Anh, Canada. Họ đều khẳng định quá trình triển khai Thông tư 04 không gây vấn đề gì lớn đối với việc xuất khẩu thịt sang Việt Nam. Trong khi đó, đại diện một số nước tỏ ra băn khoăn.

Cục Thú y khẳng định việc ban hành Thông tư 04 đã tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế và không gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, từ ngày 16-5, thời điểm Thông tư số 04 có hiệu lực, đến ngày 16-6, có 59.461 tấn thịt động vật và sản phẩm thịt từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Khối lượng nhập khẩu này là tương đương tháng 4, khi Thông tư chưa có hiệu lực, và cũng tương đương cùng kỳ năm 2023.

Về phía các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước, thời gian qua đã liên tục có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan. Các ý kiến đều theo hướng đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn với hàng nhập khẩu để bảo vệ chăn nuôi trong nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Như Tập đoàn CJ tại Việt Nam đã có công văn số 24/2024/CV-CJ ngày 25-1 gửi Thủ tướng, kiến nghị một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo đó, đơn vị kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm sâu sát và chỉ đạo các cơ quan liên quan sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam. Đồng thời đề nghị ban hành hàng rào kỹ thuật trong tự vệ thương mại, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và chăn nuôi không mong muốn nhập vào Việt Nam.

Thế giới kiểm soát Salmonella thế nào?

Việt Nam không xuất khẩu nhiều thịt, trứng, sữa. Nhưng các thị trường nhập hàng đều đòi hỏi khắt khe về kiểm dịch.

Cụ thể, EU quy định không được có Salmonella spp trong 25g thịt; E.coli tổng số không vượt quá 102 đến 5.102 tùy loại sản phẩm.

Còn cuộc đàm phán xuất khẩu các sản phẩm gà chế biến với Anh thì phía bạn yêu cầu Việt Nam phải có Chương trình quốc gia giám sát Salmonella spp. Hàn Quốc cũng có yêu cầu tương tự.

Các thị trường như Nhật Bản, Hongkong, Nga và EU cũng yêu cầu Việt Nam phải tổ chức kiểm soát Salmonella spp khi đàm phán, xuất khẩu thịt gà chế biến chín sang thị trường các nước này.

Trung Quốc yêu cầu phải tổ chức giám sát, xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella spp khi xuất khẩu sữa sang thị trường nước này.

Còn Singapore quy định không có Serotype chủng gây bệnh của Salmonella (Enteritidis; Pullorum, …) trong 25g; không có Serotype chủng gây bệnh của E.coli nhóm O (như O157) trong 25g thịt bò.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/siet-quy-dinh-kiem-dich-phat-hien-1319-tan-thit-nhap-khau-nhiem-salmonella-post812959.html