Siêu tên lửa Sarmat-2 khó thay đổi cục diện ở Donbas

Dù uy lực của Sarmat-2 nhiều lần được Moscow ca ngợi, khả năng vũ khí này tác động tới cục diện chiến sự ở miền Đông Ukraine là điều khó khẳng định.

Sau lần bắn thử tuần qua, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat-2 được giới chức Nga tán dương là loại vũ khí sẽ khiến mọi đối thủ của Moscow "phải nghĩ lại". Thậm chí, Điện Kremlin miêu tả Sarmat-2 "vượt qua tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại", theo TASS.

Các chuyên gia quân sự nhận định bất kể Moscow tin tưởng vũ khí mới này đến mức nào, Sarmat-2 sẽ không giúp ích nhiều trên khía cạnh thay đổi cục diện cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, theo Politico.

Sarmat-2 không có đất diễn

Sarmat-2 là tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử thế giới. Moscow mất gần 20 năm để phát triển Sarmat-2 nhằm thay thế tên lửa đạn đạo thế hệ cũ.

Sarmat-2 có tầm bắn hơn 10.000 km, tốc độ bay có thể đạt tới Mach 20. Theo quảng cáo của giới chức Nga, tính năng tiên tiến của Sarmat-2 là đánh lừa và né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa, bằng cách liên tục thay đổi vận tốc và quỹ đạo bay. Sarmat-2 có thể mang theo 15 đầu đạn hạt nhân.

Với sức mạnh như được quảng cáo, một khi bắn vào Tây Âu, một quả Sarmat-2 có khả năng hủy diệt hoàn toàn 15 thành phố ở nhiều quốc gia.

Cuộc thử nghiệm hôm 20/4 làm dấy lên hồi chuông cảnh báo ở một số nước phương Tây trước nguy cơ Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu tình hình chiến sự ở Ukraine diễn ra không như ý định.

 Tên lửa Sarmat-2 được phóng thử. Ảnh: RIA.

Tên lửa Sarmat-2 được phóng thử. Ảnh: RIA.

Nhưng tại Donbas lúc này, các chuyên gia quân sự nhận định những loại vũ khí thông thường với kích thước nhỏ, giá thành rẻ mới là công cụ tạo ra sự khác biệt, chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trước sức ép liên tục sau hậu trường yêu cầu tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên tục hành động với liên tiếp hai gói viện trợ quân sự trị giá tổng cộng 1,6 tỷ USD.

Gói viện trợ mới nhất bao gồm 72 lựu pháo và pháo tự hành tầm xa, 144.000 viên đạn pháo, hơn 120 thiết bị bay không người lái. Trước đó, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, máy bay không người lái cảm tử Switchblade, và nhiều vũ khí khác.

Theo tuyên bố của giới chức quốc phòng Nga, mục tiêu của chiến dịch quân sự hiện nay là kiểm soát hoàn toàn Donetsk, Luhansk và khu vực miền Nam Ukraine, tạo ra hành lang trên bộ với bán đảo Crimea, TASS đưa tin.

Thậm chí, mục tiêu của Nga còn đi xa hơn là kết nối tới vùng ly khai Transnistria của Moldova, nơi Moscow triển khai hàng nghìn quân.

Trong bối cảnh chiến sự như thế, các vũ khí như thiết bị bay do thám có khả năng tấn công, pháo binh, vũ khí chống tăng cơ động, có khả năng định đoạt cục diện chiến trường.

Hôm 14/4, soái hạm Moskva của Nga chìm trên Biển Đen. Trong khi Moscow nói vụ việc là một tai nạn, Ukraine khẳng định đã đánh chìm tàu chiến này bằng tên lửa Neptune, loại vũ khí được phát triển từ một nguyên mẫu từ thời Liên Xô.

Giới chức Ukraine ước tính khoảng 50% số xe tăng Nga bị loại khỏi vòng chiến kể từ đầu chiến dịch quân sự nhờ tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ và NLAW của Anh.

Hai loại tên lửa này có khả năng tự động tìm mục tiêu sau khi phóng, cho phép binh sĩ Ukraine nhanh chóng di chuyển và ẩn nấp, giảm thiểu nguy cơ lộ vị trí.

Anh đã gửi 4.200 hệ thống NLAW cho Ukraine. Về phía Mỹ, nước này đã chuyển giao 2.000 hệ thống Javelin cho Ukraine, thêm 2.000 hệ thống khác đang trên đường vận chuyển.

Cuộc chiến của UAV

Quân đội Ukraine tỏ ra thực tế. Dù thừa nhận Javelin, NLAW hay thiết bị bay Bayraktar có hiệu quả chiến đấu rất cao trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự ở miền Bắc, mức độ hữu dụng của chúng có thể giảm bớt tại Donbas.

Trái với địa hình nhiều rừng quanh Kyiv, vùng Donbas là khu vực nông thôn bằng phẳng, bởi vậy quân đội Ukraine gặp khó khăn nếu muốn tái áp dụng chiến thuật phục kích như tại thủ đô.

Ngay cả Tổng thống Biden cũng nhắc tới điều kiện địa hình khác biệt giữa hai khu vực trong phát biểu mới nhất về viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Bởi vậy, các chiến lược gia phương Tây và giới chức Ukraine đều đồng ý trận chiến ở Donbas sẽ phụ thuộc vào thiết bị bay không người lái. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu bên nào sẽ cạn kiệt thiết bị bay không người lái trước.

Tầm quan trọng của UAV được chứng minh khi nhìn vào danh sách lô vũ khí mới nhất Mỹ viện trợ cho Ukraine. Trong số này có 121 thiết bị bay chiến thuật mang tên Phoenix Ghost.

 Thiết bị bay cảm tử Switchblade sau khi được phòng. Ảnh: AP.

Thiết bị bay cảm tử Switchblade sau khi được phòng. Ảnh: AP.

Loại UAV của Mỹ có khả năng tự tìm mục tiêu, tự động phát nổ khi chạm mục tiêu. Xe tăng và các phương tiện thiết giáp bộ binh là con mồi ưa thích của Phoenix Ghost. Không có nhiều thông tin về khả năng tác chiến của UAV này.

Ukraine cho biết Nga đang triển khai nhiều UAV do thám Orlan-10 ở Donbas, nhiệm vụ chính là tìm kiếm các vị trí của lực lượng phòng thủ để pháo binh và không quân Nga khai hỏa. Tuy nhiên, Orlan-10 bay ở tầm thấp và dễ bị bắn hạ.

UAV Bayraktar mà Ukraine mua từ Thổ Nhĩ Kỳ gặp rủi ro tương tự khi hoạt động tại Donbas, theo chuyên gia Justin Bronk của tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng Royal United Services Institute.

"Các hệ thống phòng không của Nga tại Donbas dày hơn. Nga có khả năng chiếm ưu thế trên không tại phần lớn Donbas trong giai đoạn chiến sự tiếp theo", ông Bronk nhận định, xét tới việc máy bay Nga được bảo vệ tốt hơn nhờ các hệ thống phòng không mặt đất, so với khi hoạt động quanh Kyiv.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự hoài nghi khả năng Không quân Nga có thể thực sự khai thác ưu thế trên không, bởi Moscow thiếu các loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao.

Video Nga phóng tên lửa Kalibr tấn công mục tiêu ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/4 tuyên bố tàu chiến từ Biển Đen phóng tên lửa hành trình Kalibr nhắm mục tiêu lực lượng Ukraine tại ga tàu Meliorativnoye, tỉnh Dnipropetrovska.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sieu-ten-lua-sarmat-2-kho-thay-doi-cuc-dien-o-donbas-post1311901.html