Siêu thị tại TP.HCM tăng lượng hàng lên 3 – 5 lần để phục vụ người dân
Hàng hóa rất nhiều và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và gây tắc nghẽn các kênh mua sắm, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khuyến nghị.
Từ 8h sáng nay (7/7), chợ đầu mối cuối cùng của TP.HCM – Thủ Đức cũng đã tạm dừng hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Chợ sẽ vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất 20h cùng ngày.
Chợ đầu mối Thủ Đức rộng khoảng 20 ha có sức chứa 1.584 sạp, vựa, với tổng vốn đầu tư là hơn 182 tỷ đồng. Chợ nằm ngay cửa ngõ phía Đông thành phố đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, và Tây Nguyên. Đây là nơi tập trung quan trọng của các loại nông sản, thực phẩm từ các tỉnh về để phân phối vào các chợ nhỏ lẻ trong thành phố. Trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn.
Được biết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Thủ Đức), chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Hóc Môn) là 3 chợ đầu mối chuyên về nông sản và thực phẩm lớn nhất TP.HCM.
Theo Sở Công thương TP.HCM, mỗi đêm, tổng lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối khoảng 8.5000 tấn, chiến hơn 60 – 70% lượng hàng cung ứng cho thị trường TP.HCM với hơn 9 triệu dân.
Lượt khách ra, vào chợ đạt đến 12.000 – 15.000 lượt khách mỗi đêm, cao điểm từ 20.000 – 30.000 lượt khách mỗi đêm, và có hơn 21.000 thương nhân và người lao động tại ba chợ. Do đó, đây là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 cao.
Việc 3 chợ đầu mối trên lần lượt đóng cửa đã khiến nhiều người dân TP.HCM lo lắng và dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.
Đồng thời, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.
Trước tình trạng trên, ngay sau đó, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã đưa ra khuyến nghị hàng hóa rất nhiều, thậm chí rất phong phú và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.
Theo đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn.
“Tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3 -5 lần. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách”, Saigon Co.op khẳng định.
Bên cạnh đó, tại các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chổ hạn chế di chuyển Pick & Ship, máy lạnh trên 25 độ, ….. để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm may mặc và đồ dùng nhà bếp lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TP.HCM.
“Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn”, theo Saigon Co.op.
Tại cuộc họp chiều nay (7/7), Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết, nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM đang dồi dào, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị đầy đủ dự trữ nguồn hàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân.
Đồng thời, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh, nên việc thiếu một mặt hàng trên các quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó, người dân yên tâm, không nên hoang mang, lo thiếu hàng.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 2/7, địa bàn thành phố đã có 93/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động để vừa kinh doanh vừa đảm bảo chống dịch. Con số này khả năng sẽ còn gia tăng trong thời gian tới nếu dịch còn diễn biến phức tạp.
Hiện TP.HCM đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp khi ghi nhận hàng trăm ca mỗi ngày. Tính đến trưa ngày 7/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay là 8.002 ca, vượt Bắc Giang và dẫn đầu cả nước.