Singapore bỏ tù chủ lao động không để nhân viên làm việc từ xa

Theo Đạo luật về Bệnh truyền nhiễm vừa được bổ sung, người sử dụng lao động không cho nhân viên làm việc tại nhà sẽ bị bỏ tù tối đa sáu tháng.

Người sử dụng lao động không tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà có thể bị bỏ tù hoặc bị phạt, theo Đạo luật về Bệnh truyền nhiễm của Singapore, đài Channel News Asia đưa tin.

Phần bổ sung mới của Đạo luật này vừa được Công báo Chính phủ Singapore công bố hôm 1-4.

Đạo luật bổ sung một số hình phạt dành cho người sử dụng lao động nếu họ không chỉ đạo nhân viên làm việc tại nhà khi có thể hoặc không thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách an toàn tại nơi làm việc trong giai đoạn dịch COVID-19 đang bùng phát tại quốc gia này.

Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Bộ trưởng Nhân lực Singapore Josephine Teo. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Singapore hiện đã yêu cầu các công ty linh hoạt trong việc sắp xếp công việc cho nhân viên để hạn chế tiếp xúc giữa người với người, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Hôm 31-3, Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo cho biết các công ty không cho phép nhân viên làm việc từ xa có thể phải đối mặt với việc ngưng hoạt động hoặc các hình phạt khác.

Bà nói thêm rằng Bộ Nhân lực (MOM) có kế hoạch triển khai 100 nhân viên của bộ đi kiểm tra tình trạng chấp hành quy định của các công ty.

Làm việc ở nhà và giữ khoảng cách an toàn

Đạo luật bổ sung nêu rõ mỗi công ty phải cung cấp các phương tiện cần thiết cho nhân viên làm việc tại nhà trong giai đoạn này. Đạo luật cũng nói thêm rằng công ty phải chỉ đạo nhân viên làm việc ở nhà trừ khi có lý do chính đáng.

Những ai vi phạm có thể phải bị phạt không quá 10.000 SGD, bị bỏ tù tối đa sáu tháng hoặc cả hai hình phạt trên.

Đối với những nhân viên bắt buộc phải đi làm, họ phải được nhóm lại từng nhóm nhỏ và đến công sở vào những thời điểm khác nhau. Nhân viên không được cùng lúc đến hoặc rời nơi làm việc để tránh hoặc giảm thiểu tương tác giữa các nhóm nhân viên.

Người sử dụng lao động cũng nên thực hiện các bước bố trí chỗ ngồi hợp lý để đảm bảo khoảng cách giữa người lao động tại công sở ít nhất là 1 m.

Nhân viên văn phòng tại tòa nhà Raffles Place ở Singapore. Ảnh: CNA

Nhân viên văn phòng tại tòa nhà Raffles Place ở Singapore. Ảnh: CNA

Không chỉ áp dụng lệnh giãn cách xã hội ở công sở, những biện pháp này còn phải được áp dụng tại những nơi dễ tụ tập đông người như khu xếp hàng chờ lấy đồ ăn, mua hàng hoặc khu vực lễ tân ở khách sạn...

Những dịch vụ giao nhận hàng hóa cũng không nên tụ tập cùng một lúc và không nên ở điểm giao nhận lâu hơn mức cần thiết.

Bất cứ người lao động nào cảm thấy không khỏe hoặc có triệu chứng nhiễm COVID-19 phải ngay lập tức báo cáo với người sử dụng lao động.

Tất cả sự kiện hoặc hoạt động có sự tương tác giữa nhiều người phải được hủy hoặc hoãn lại.

"MOM ước tính rằng đối với các công ty ở khu trung tâm thương mại, chỉ có 40% công nhân làm việc từ xa" - bà Teo nói.

Mạnh tay chống dịch COVID-19

Singapore thời gian đầu từng được xem là hình mẫu về cách chống dịch COVID-19 nhưng chỉ sau một tháng, đảo quốc này đã tăng vọt từ hơn 100 ca lên hơn 1.000 ca. Trước tình hình đó, chính phủ Singapore đã có nhiều biện pháp mạnh tay hơn.

Từ ngày 23-3, Singapore đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách nước ngoài.

Đến ngày 27-3, Singapore đóng cửa các quán bar và các tụ điểm tập trung đông người về đêm, hạn chế tụ tập từ 10 người và thông báo các hình phạt cho những cá nhân và nhà hàng không đảm bảo khoảng cách 1 m giữa các khách hàng.

Chính phủ Singapore cũng khuyến cáo người dân ở nhà, chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm. Chính phủ Singapore cũng cảnh cáo các nhà tuyển dụng có thể bị truy tố nếu không để nhân viên làm việc từ xa.

Tính đến trưa 3-4, Singapore ghi nhận thêm 65 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.114. Quốc gia này cũng ghi nhận thêm một ca tử vong trong ngày 2-4, đưa tổng số ca tử vong nước này lên năm ca.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/singapore-bo-tu-chu-lao-dong-khong-de-nhan-vien-lam-viec-tu-xa-902667.html