Singapore nâng cao đòi hỏi chuyên môn với lao động nước ngoài

Chính phủ Singapore mới đây đã nâng yêu cầu về mức lương tối thiểu đối với người nước ngoài xin giấy phép lao động tại nước này nhằm tập trung nâng cao chất lượng lao động nhập cư.

Công viên Sư tử biển Merlion Park tại Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Công viên Sư tử biển Merlion Park tại Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hướng tới lao động chất lượng cao

Theo thông báo của Bộ Nhân lực Singapore, kể từ tháng 9/2020, người nước ngoài muốn được cấp giấy phép lao động dạng E. Pass (dành cho các công việc chuyên gia, quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù) sẽ cần phải có mức lương tối thiểu 4.500 đô la Singapore (SGD)/tháng, tăng 600 đô la so với trước. Đối với lao động theo diện S. Pass (giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung, lao động kỹ thuật), mức lương tối thiểu cũng tăng 100 SGD lên 2.500 SGD/tháng, kể từ tháng 10.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, ông Chan Chun Sing - Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore - giải thích: “Sở dĩ có những thay đổi được đưa ra gần đây là bởi chúng tôi đang hướng tới chất lượng (của lao động nhập cư), thay vì số lượng… và đây là những gì chúng tôi đang liên tục thực hiện trong những năm qua”.

“Khi nền kinh tế đòi hỏi, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh mức lương tiêu chuẩn của lao động nước ngoài, vì việc này sẽ cởi trói cho người dân Singapore cạnh tranh đồng thời không cản trở những lao động tài năng thực sự từ khắp nơi trên thế giới mà chúng tôi muốn thu hút… Nhưng đối với những công việc tầm trung mà người dân Singapore có khả năng đáp ứng thì chúng tôi không cần phải thu hút nhiều lao động nước ngoài tới Singapore nữa”, ông Chan nói.

Ông Chan thừa nhận rằng những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến chi phí và khả năng thuê lao động nước ngoài của các doanh nghiệp Singapore, đồng thời có thể ảnh hưởng đến một hình ảnh của Singapore như một nền kinh tế cởi mở với các doanh nghiệp và nhân tài trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chan nhấn mạnh Singapore sẽ “không đóng cửa”, “không bao giờ tách mình ra khỏi thế giới” mà chỉ muốn có một sự “cân bằng”.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết thêm nền kinh tế “Quốc đảo Sư tử” cũng cần phải đa dạng hóa để tránh bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài và tạo ra nhiều cơ hội việc làm khác nhau cho người lao động nước này, trong hiện tại và cả tương lai.

Theo ông Chan, Singapore là một quốc gia nhỏ với lực lượng lao động khá hạn chế về số lượng, nên sẽ cần thêm lao động nước ngoài để bổ sung cho các lĩnh vực kinh tế mà Singapore đang tìm cách thúc đẩy và đa dạng hóa.

Nhận thấy sự “tập trung của một số quốc tịch nhất định” về nhân lực trong các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh chóng như tài chính hay công nghệ thông tin và truyền thông, ông Chan cho biết đây là thách thức không chỉ riêng với Singapore, trong bối cảnh toàn thế giới đang cạnh tranh nhân tài trong các lĩnh vực này.

“Đây là một thách thức toàn cầu và nguyên nhân của vấn đề là không có đủ người. Sự thiếu hụt khiến cho ai cũng muốn có những người giỏi nhất”, ông Chan nói.

Tăng cường đào tạo và tái đào tạo

Mục tiêu của Chính phủ Singapore là người dân trong nước được bảo đảm việc làm trong những lĩnh vực mà nước này đang nỗ lực thúc đẩy bằng cách tăng đầu tư và xây dựng năng lực để tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Đây cũng chính là chiến lược Singapore từng áp dụng khi xây dựng và phát triển các lĩnh vực chế tạo và hóa dầu. Ông Chan cho biết, mặc dù sẽ mất thời gian, song Singapore sẽ đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhân lực “một cách nhanh nhất có thể”, bao gồm cả đào tạo lại lao động trung niên để giúp họ chuyển đổi sang các ngành nghề mới.

Đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất gây ra bởi đại dịch COVID-19, chính phủ Singapore hiểu rất rõ sự lo lắng của người dân trong nước khi phải cạnh tranh công việc với người nước ngoài.

“Vì vậy, thách thức thực sự không phải là có quá nhiều người nước ngoài vào Singapore làm việc, mà là làm thế nào để người dân Singapore thành công trong một thế giới siêu cạnh tranh”, Bộ trưởng Chan nói.

Chính phủ Singapore sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này bằng cách thu hút đầu tư vào các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước và đảm bảo một “sân chơi công bằng” trong cạnh tranh việc làm. Tuy nhiên, theo ông Chan, Singapore sẽ “không khoan nhượng” đối với các hình thức phân biệt đối xử nào với người lao động.

Hiểu lầm về các FTA

Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu chở hàng hóa neo tại cảng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Chan cũng cho biết hiện nay đang có sự hiểu sai đối với Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện (CECA) giữa Singapore và Ấn Độ, có hiệu lực từ năm 2005. Trước đó, trả lời một số ý kiến cho rằng với CECA, người lao động Ấn Độ sẽ tự động được quyền xét nhập quốc tịch Singapore hoặc nhận thẻ thường trú và giấy phép làm việc tại Singapore, đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore đã khẳng định đây là một cách hiểu không đúng.

Củng cố cho quan điểm này, Bộ trưởng Chan nói rằng mọi công dân nước ngoài khi nộp đơn xin visa việc làm tại Singapore phải đáp ứng các tiêu chí theo luật định. Chẳng hạn, việc tuyển dụng phải “dựa trên năng lực và không được phân biệt đối xử” dựa trên các tiêu chí khác và các công ty sử dụng lao động cũng phải tuân thủ. Kể cả các công dân Ấn Độ muốn vào Singapore theo hiệp định CECA theo hình thức “luân chuyển nội bộ” của một tập đoàn đa quốc gia hoặc của một công ty Singapore đang hoạt động ở nước ngoài, cũng phải đáp ứng các quy định này.

Ông Chan lưu ý các điều khoản về luân chuyển nội bộ “không phải là độc nhất” đối với các hiệp định thương mại mà Singapore tham gia ký kết mà phù hợp cả với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. “Việc tạo điều kiện cho nhân viên luân chuyển nội bộ là nhằm giúp các công ty mở rộng ra nước ngoài. Các công ty nước ngoài tìm cách đầu tư vào Singapore cũng như các công ty Singapore đầu tư ra nước ngoài đều được hưởng lợi từ hiệp định này”, ông Chan khẳng định.

Theo ông Chan, hiệp định CECA đang giúp thương mại và đầu tư giữa Singapore và Ấn Độ ngày càng phát triển. Ngoài việc khuyến khích các công ty Singapore đầu tư sang Ấn Độ, nó còn giúp các tập đoàn đa quốc gia thuê người Singapore quản lý các công ty của họ tại Singapore.

“Năm 2018, chúng tôi có hơn 650 công ty ở Singapore đã đầu tư vào Ấn Độ. Tại quê nhà, các công ty này sử dụng hơn 100.000 người Singapore và thường trú nhân”, Bộ trưởng Chan cho biết.

Nói rộng hơn về 23 FTA mà Singapore tham gia, ông Chan cho biết “mạng lưới rộng khắp” này khiến Singapore trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn, đồng thời giúp Singapore cạnh tranh với các quốc gia khác trong tạo việc làm, nhất là những công việc mà người Singapore có thể tham gia.

Nguyễn Danh Chân

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/singapore-nang-cao-doi-hoi-chuyen-mon-voi-lao-dong-nuoc-ngoai-20200925232107945.htm