Singapore thách thức giao ca thế hệ

Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 10-7 tới được xem là đáng nhớ trong lịch sử của Singapore, không chỉ vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành, tình hình kinh tế xã hội ngày càng khó khăn, còn do chính đảng cầm quyền muốn trao quyền cho thế hệ lãnh đạo mới.

Singapore đang chuẩn bị cho cuộc giao ca thế hệ với nhiều khả năng xuất hiện thủ tướng thứ tư sau kỳ bẩu cử tới. (Trong ảnh: Ông Goh Chok Tong (trái) tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ hai của Singapore năm 1990 và ông Lý Hiển Long (phải) năm 2004).

Singapore đang chuẩn bị cho cuộc giao ca thế hệ với nhiều khả năng xuất hiện thủ tướng thứ tư sau kỳ bẩu cử tới. (Trong ảnh: Ông Goh Chok Tong (trái) tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ hai của Singapore năm 1990 và ông Lý Hiển Long (phải) năm 2004).

“Thưa Thủ tướng, vì quốc hội đã giải tán, tôi viết thư này để báo cho ông biết tôi đã quyết định không tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đã từng là đại biểu quốc hội cho khu dân cư Marine Parade trong hơn 4 thập niên, tôi đưa ra quyết định này sau khi suy nghĩ rất lâu mà trong lòng nặng trĩu. Tôi yêu người dân Marine Parade. Nhiều người đã thúc giục tôi tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa. Nhưng tôi không nên. Tôi sẽ không có nhiều năng lượng như trước khi đang chuẩn bị qua tuổi 80. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho Singapore bằng những cách khác…”.

Đó là một phần bức thư của cựu Thủ tướng Goh Chok Tong gửi Thủ tướng Lý Hiển Long trong thời điểm Singapore chuẩn bị bầu cử, và nhiều đảng viên của đảng cầm quyền (Đảng Hành động Nhân dân - PAP) cũng quyết định chia tay với chính trường. Theo thông tin chính thức từ nhật báo The Straits Times ngày 30-6, có tổng cộng 17 đại biểu quốc hội thuộc PAP không ra ứng cử nhiệm kỳ tới.

Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 10-7 tới được xem là đáng nhớ trong lịch sử của đảo Sư tử, không những vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành, tình hình kinh tế xã hội ngày càng khó khăn, còn do chính đảng cầm quyền muốn trao quyền cho thế hệ lãnh đạo mới. Điều khác biệt so với kỳ bầu cử cách đây 5 năm, là Singapore đã xuất hiện nhiều ứng cử viên đối lập bản lĩnh hơn, sẵn sàng làm đối trọng với các đảng viên PAP ở tất cả khu vực bầu cử.

Chưa hết, em trai của thủ tướng là Lý Hiển Dương lại ủng hộ Đảng Tiền tiến Singapore (PSP), còn thủ lĩnh đảng này, bác sĩ Tan Cheng Bock, cũng từng là đảng viên PAP tham gia quốc hội trong các nhiệm kỳ trước và chỉ về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2011, với số phiếu chênh lệch chỉ 0,35% so với Tổng thống đắc cử Tony Tan.

Nhưng sự nhộn nhịp trong sinh hoạt chính trị với nhiều ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử lần này là hệ quả tất yếu về sự cởi mở của chính đảng cầm quyền PAP, kể từ khi Lý Hiển Long, người con trai cả của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu bắt đầu chấp chính vào năm 2004.

Chỉ 4 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, trong bài phát biểu nhân dịp quốc khánh Singapore lần thứ 39, ông Lý con đã thể hiện sự cởi mở chính trị qua thông điệp kêu gọi người dân Singapore đóng góp ý tưởng, suy nghĩ, kiến nghị và tham gia tranh luận những vấn đề mang tính quốc gia. Ông nói: “Đừng là kẻ NATO (No Action Talk Only) - chỉ nói mà không làm. Hãy làm điều gì đó, góp phần kiến thiết quốc gia, phấn đấu cho những gì bạn tin tưởng”.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, các ứng viên của đảng cầm quyền PAP sẽ đối đầu với ứng viên của 10 đảng đối lập và 1 ứng cử viên độc lập trong 39 khu vực bầu cử, với tổng số 93 ghế cho quốc hội khóa tới. Đáng lưu ý, theo tuyên bố của Thủ tướng Lý tại cuộc họp báo trong thời gian tranh cử, quốc hội sẽ đảm bảo “sự hiện diện đối lập đáng kể" trong quốc hội, bất kể điều gì xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử.

Điều này có thể xảy ra nhờ Hiến pháp Singapore đã mở rộng cơ chế nghị viên không chính thức (NCMP) dành cho ứng viên thua cuộc, với số phiếu cao nhất. Trong trường hợp PAP giành được tất cả ghế, vẫn sẽ có 12 đại biểu phe đối lập tham gia nghị trình trong quốc hội với quyền biểu quyết đầy đủ như các nghị viên chính thức về một số vấn đề ngân sách, sửa đổi hiến pháp, hay thậm chí bỏ phiếu tín nhiệm.

Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận thế thượng phong của đảng cầm quyền trong các kỳ tuyển cử, vì hầu hết đảng viên PAP đều là những thành viên ưu tú được sàng lọc qua quy trình khá kỹ lưỡng. Với những tiêu chí gắt gao về trình độ học vấn hay thành đạt xã hội, sau vòng sơ tuyển những người này sẽ được một bộ trưởng đương nhiệm mời “dùng trà” để thảo luận về khả năng gia nhập đảng.

Sau đó là vài cuộc gặp gỡ với một số bộ trưởng khác và Ban chấp hành Trung ương PAP, đứng đầu là Tổng Bí thư - Thủ tướng để ra quyết định cuối cùng về việc tham gia tranh cử trên danh nghĩa đảng viên PAP. Ngoài ra, PAP còn xem xét đến các yếu tố về sắc tộc và giới tính, như đảm bảo sự có mặt của ứng viên người Ấn Độ, Mã Lai và cả phụ nữ.

Nhưng không phải đợi đến mùa bầu cử người dân Singapore mới được nghe nói về những sự nỗ lực đổi mới tổ chức và chuẩn bị cho lực lượng kế thừa của PAP. Đích thân Lý Quang Diệu lúc còn sinh thời trên cương vị Bộ trưởng Cố vấn, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) năm 2005, rằng một trong những sứ mệnh quan trọng của ông là tìm người kế thừa.

Ông cho biết việc này ông đã hoàn thành sau khi Singapore đã có 2 thủ tướng là Goh Chok Tong và Lý Hiển Long. Ông nói: “Tôi đã tìm được người kế thừa mình và đến lượt họ phải tiếp tục làm việc này. Phải có được sự liên tục trong việc tìm ra hiền tài, thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Nếu như chu trình này bị đứt gãy, tương lai coi như không còn”.

Mặc dù thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long sẽ tiếp tục ứng cử cho nhiệm kỳ quốc hội sắp tới, nhưng có nhiều khả năng ông Lý sẽ nhường lại vị trí thủ tướng cho một đảng viên PAP trẻ hơn và năng động và giữ vai trò cố vấn như các thủ tướng trước đây. Tuy nhiên, đợt giao ca thế hệ của PAP lần này hoàn toàn khác trước, bởi Singapore đang đứng trước những khó khăn chưa từng có từ ngày lập quốc và tương lai vẫn khó đoán định.

Nếu cách đây 16 năm ông Lý nhậm chức thủ tướng khi Singapore đã hoàn toàn thoát khỏi tình hình phải vật lộn với cuộc đấu tranh sinh tổn, như một đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, và trên đà tham gia hàng ngũ của các nước phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, thì thủ tướng mới xuất hiện sau kỳ bầu cử lần này phải đối đầu với những khó khăn trở ngại cả trong lẫn ngoài, nhất là xu hướng “bế quan tỏa cảng” của nhiều nước trong thời gian dài do những âm hưởng từ đại dịch COVID-19.

Không thể phủ nhận thực tế rằng Singapore là nền kinh tế mở với rất nhiều lệ thuộc vào thế giới bên ngoài. 3 tháng cách ly đã trôi qua với nhiều tổn thất không lường về kinh tế, trong đó chính phủ phải chi ngân sách khủng lên đến 93 tỷ đô la Singapore, và có lẽ phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có khả năng mở cửa biên giới bình thường với các nước.

Chính vì lý do đó, khẩu hiệu tranh cử của PAP lần này cũng quay trở lại những vấn đề căn bản: “Cuộc sống của chúng ta, việc làm của chúng ta, tương lai của chúng ta”. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ là bước ngoặt lịch sử của Singapore, bởi nó không chỉ là cuộc giao ca thế hệ của chính đảng cầm quyền, sự tham gia tích cực và rộng rãi của người dân Singapore.

Dù sao đi nữa, người Singapore vẫn luôn tự hào với quyền bầu cử hiến định, với những thể chế và khế ước xã hội được tuân thủ chặt chẽ. Thách thức của thế hệ lãnh đạo mới sẽ là giữ vững tinh thần đoàn kết gắn bó mọi người dân, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, chính kiến và cùng nhau giữ vững hình ảnh và thế đứng quốc gia trong vận nước khó khăn, với những ước mơ và khát vọng cho ngày mai tươi sáng.

Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/singapore-thach-thuc-giao-ca-the-he-81927.html