Sinh nhật lần thứ hai của người đàn ông được ghép tim

'Giờ ai hỏi tôi sinh nhật khi nào, tôi sẽ lấy ngày được ghép tim. Vì vào ngày đó, tôi như sống lại một lần nữa', ông Q. nói.

Ông N.H.Q. (61 tuổi, TP.HCM) chia sẻ cảm xúc của mình sau khi được ghép tim từ người lạ (chuyển từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM). Đây là ca ghép tim thứ tư thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ người cho chết não và cũng chính ca ghép tim “xuyên Việt” thứ hai từ Hà Nội vào TP.HCM.

Trái tim giúp ông Q. ăn, ngủ và nói được, những điều trước đây khi bị căn bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, bệnh nhân thực hiện rất khó khăn. Sau khi đánh giá tình hình sức khỏe, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cho ông xuất viện về nhà ngày 9/8.

Ông Q. phát hiện bệnh cơ tim giãn nở vào năm 2005. Từ đó, bệnh viện thành nơi ông thường xuyên lui tới. Thời gian gần đây, ông phải nằm viện điều trị suy tim, bác sĩ tiên lượng thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày.

“Dù đã đăng ký danh sách chờ ghép tim, tôi không nghĩ mình còn cơ hội và thấy xa vời quá. Bệnh của tôi chuyển nặng quá rồi. Bệnh này hành mệt lắm, ai bị rồi mới hay. Tôi không thở được, ăn và nói thều thào, ho suốt, muốn chợp mắt ngủ rất khó. Nhiều khi, tôi ước được ngủ một giấc tới đâu thì hay tới đó”, ông Q. kể lại.

Ông Q. đi, nói bình thường trước giờ xuất viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Ông Q. đi, nói bình thường trước giờ xuất viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Tỉnh dậy sau ca mổ ghép tim, ông Q. cho biết cảm giác như được sống lại lần nữa. Do quy định bảo mật danh tính người hiến tặng tim, ông xin được gửi lời tri ân chân thành đến gia đình đã cho ông một cuộc sống khác.

“Giờ tôi cảm thấy sức khỏe gần được như người bình thường. Có ai hỏi tôi sinh vào khi nào, tôi nói chỉ được mấy ngày. Ngày tôi được ghép tim là lúc được sinh ra một lần nữa trong đời”, ông Q. bày tỏ.

Trực tiếp tham gia thực hiện ca phẫu thuật ghép tim, TS.BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết rất căng thẳng khi nhận tin báo có quả tim vào ngày thứ bảy. Một bác sĩ được điều gấp rút đem máu của người nhận lên máy bay ra Hà Nội để xét nghiệm phản ứng hòa hợp và tiến hành ghép vào chủ nhật.

Khoảng 16h ngày 30/6, tim được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành ghép cho bệnh nhân Q. Ca ghép hoàn thành lúc 21h, đến sáng hôm sau bệnh nhân đã tỉnh, các chỉ số sinh tồn ổn định. Sau ghép 3 ngày, bệnh nhân được rút ống thở và bắt đầu tập vận động.

Một ca ghép tim phải huy động chuyên khoa thần kinh, hô hấp, huyết học, chống nhiễm khuẩn... nên các bác sĩ phải thu xếp việc gia đình. Ngoài ra, theo bác sĩ An, một ca ghép tim xuyên Việt đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội, không chỉ lĩnh vực y khoa.

“Trái tim được hãng hàng không hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh nhất và dành riêng một chỗ ngồi như bao hành khách khác. Từ khi nhận được thông báo trái tim được đưa xuống sân bay, chỉ mất 10 phút, dưới sự hộ tống dẫn đường của cảnh sát giao thông, nó đã đến được bệnh viện”, bác sĩ An kể.

PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời là phẫu thuật viên tham gia ghép tim, người điều phối các ê-kíp, cho biết: "Thành công của ca ghép tim xuyên Việt từ Bắc vào Nam lần 2 này là kết quả của sự điều hành hiệu quả từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, giúp đỡ chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tim từ Bệnh viện Việt Đức.

Bên cạnh đó, ê-kíp lấy tim cho và ghép tim luôn trong tinh thần sẵn sàng phẫu thuật, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, ban trong và ngoài bệnh viện, đặc biệt là lực lượng công an và hàng không".

PGS.TS Trần Quyết Tiến xin gửi lời cảm ơn đến tất cả người tham gia vào sự thành công của ca ghép tim xuyên Việt này. Đồng thời, ông trân trọng cảm ơn những người đã hiến một phần thân thể của mình để cứu sống nhiều bệnh nhân đang trong lằn ranh giới sinh tử.

Theo Hoàng Lan / Pháp Luật TP.HCM

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sinh-nhat-lan-thu-hai-cua-nguoi-dan-ong-duoc-ghep-tim-post977511.html