Sinh viên đang làm gì vào giờ giải lao?

Quan sát cảnh sinh hoạt của sinh viên vào giờ giải lao, người dạy không khỏi băn khoăn về một thế hệ gắn liền với chiếc điện thoại cá nhân mọi lúc mọi nơi và những nội dung xấu, độc đang tràn lan trên mạng xã hội.

Điện thoại là bạn thân?

Tiếng chuông vang lên báo hiệu giờ giải lao. Thầy cô tạm rời bục giảng về phòng giảng viên. Sinh viên nhóm thì trao đổi trò chuyện thảo luận xôm tụ, nhóm thì háo hức rủ nhau xuống căng tin trường, nhóm hí hửng ra sân trường tham gia hoạt động này trò chơi kia, nhóm hối hả đến thư viện để kịp thời trả sách, mượn sách.

Đó có lẽ là những hình ảnh trong hoài niệm của nhiều năm trước. Còn ở thì hiện tại, quang cảnh giờ giải lao thường thấy sẽ thật tẻ nhạt.

Chỉ trong chiếc điện thoại nhỏ nhắn ấy, cả thế giới các nền tảng mạng xã hội đang đón đợi sinh viên. (Nguồn: NLĐ)

Chỉ trong chiếc điện thoại nhỏ nhắn ấy, cả thế giới các nền tảng mạng xã hội đang đón đợi sinh viên. (Nguồn: NLĐ)

Sinh viên thường ngồi tại bàn, mỗi người đều chú mắt với chiếc điện thoại di động cá nhân. Chỉ trong chiếc điện thoại nhỏ nhắn ấy, cả thế giới các nền tảng mạng xã hội đang đón đợi sinh viên.

Những dòng trạng thái hài hước, những hình ảnh chế vui nhộn, những tin tức giật gân nóng hổi, những clip ngắn đủ các nội dung, đủ các lĩnh vực trong đời sống… là những sản phẩm giải trí mà sinh viên tha hồ lựa chọn trong khoảng thời gian 15 phút giải lao.

Những sinh viên ngồi cạnh nhau nhưng ít giao tiếp chuyện trò, thậm chí chẳng nhìn mặt nhau, chẳng ai nói với ai câu nào. Tất cả đều say sưa với chiếc điện thoại, thỉnh thoảng mỉm cười riêng tư, chỉ mình mình hiểu. Lúc này, điện thoại như người bạn tâm tình thắm thiết nhất.

Chìm đắm trong nội dung xấu, độc?

Điều đáng nói là những nội dung mà sinh viên say sưa theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội đang có xu hướng xuất hiện nhiều yếu tố xấu, độc. Không khó để bắt gặp những sản phẩm truyền thông xấu, độc này.

Tràn lan những clip ngắn với những câu chuyện câu view, những tin tức giật gân sai sự thật, những tình huống drama éo le ngang trái, những hình ảnh ăn mặc thiếu vải, gợi cảm quá mức phản cảm.

Nhiều nội dung truyền bá mê tín dị đoan, cổ xúy hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều nội dung còn thành trend (xu hướng), ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của sinh viên.

Chẳng hạn như motip các tình tiết mâu thuẫn tranh đấu trong gia đình, “đúng nhận sai cãi” truyền bá mê tín… Các nội dung càng sốc, càng “độc, lạ” thì càng “hot", càng thu hút người xem, trong đó có sinh viên. Đã coi một lần thì sẽ coi lần hai, lần ba.

Thuật toán phân phối nội dung tự động của các nền tảng mạng xã hội khiến cho những nội dung xấu, độc này lại càng dễ lan truyền với tốc độ chóng mặt đến người dùng.

Sinh viên chỉ cần một lần dừng lâu ở một nội dung nào đó, nền tảng đó sẽ tự động xuất hiện những nội dung tương tự trong quá trình sinh viên sử dụng. Không đủ bản lĩnh khước từ những nội dung truyền thông xấu, độc, sinh viên dần say mê, chìm đắm cùng những nội dung này.

Không chỉ phương hại về mặt nhận thức, tư tưởng, việc dùng điện thoại vào giờ giải lao cũng mang đến những hệ lụy về mặt sức khỏe. Tưởng chừng lướt mạng xã hội để thư giãn, nhưng thực ra, lại cản trở hiệu suất học tập.

Việc nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại với ánh sáng nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng mỏi mắt, khiến bộ não mệt mỏi, đồng thời khiến sinh viên rơi vào trạng thái suy nghĩ mơ màng, phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến việc tiếp thu học tập.

Tất nhiên, thực trạng trên không phải là tất cả. Nhưng đang có phần trở nên phổ biến tại các giảng đường, rất cần lên tiếng báo động.

Mục đích của giờ giải lao là giúp sinh viên có thời gian bổ sung năng lượng, não bộ được nghỉ ngơi, tránh suy giảm thị lực, duy trì hiệu suất học tập, tăng cường tập trung và giảm căng thẳng.

Thế nên, nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị người học nên dùng giờ giải lao để tranh thủ nhắm mắt và massage quanh vùng mắt nhằm điều tiết thị lực.

Hoặc người học có thể vươn vai vận động nhẹ một chút, để thoải mái hơn sau hàng giờ ngồi một chỗ. Hay nghe nhạc thư giãn, đi dạo bên ngoài cũng là những lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Trần Xuân Tiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sinh-vien-dang-lam-gi-vao-gio-giai-lao-223521.html