Sinh viên trường y chỉ có 3 tiếng chuẩn bị để lên đường đến Bắc Giang

Mặc đồ bảo hộ khiến lưng bị bỏng rát, bị mất giọng vì cố nói to để người dân nghe được rõ là sự hy sinh thầm lặng của các sinh viên trường y trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

“Tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, vào 5h55 sáng 16/5, tôi nhận được tin nhắn của giảng viên thông báo cần sinh viên tình nguyện đi Bắc Giang, Bắc Ninh để chống dịch. Ban đầu, tôi có chút lo lắng vì tình hình ở điểm dịch rất phức tạp.

Nhưng là một sinh viên trường y, từng có kinh nghiệm đi chống dịch ở Hải Dương, tôi quyết tâm tham gia, nỗ lực góp một phần công sức của mình để hỗ trợ người dân Bắc Giang”, Nguyễn Hương Giang (23 tuổi, sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương) chia sẻ.

Nhiệm vụ cao cả

Ngay sau nhận được thông báo, Giang gọi điện cho gia đình. Mẹ lo lắng cho sức khỏe của con gái không đảm bảo. Tuy nhiên, bố lại nói với Giang rằng: “Đây là nghề, là trách nhiệm và là con đường con đã chọn". Nhờ lời cổ vũ của bố, cô gái 23 tuổi có thêm động lực đi đến Bắc Giang với quyết tâm cao nhất.

 Các bạn sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang. Ảnh: Gia Long.

Các bạn sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang. Ảnh: Gia Long.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Bắc Giang, cô gái 23 tuổi cùng các tình nguyện làm việc từ 18h đến 2h sáng hôm sau.

"Gần 2 tuần, chúng tôi vẫn duy trì cường độ làm việc như vậy. Đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ dày và kín. Khi nói chuyện, người dân nghe không được rõ, chúng tôi sẽ cố gắng nói to hơn. Chỉ sau 1 ngày như thế, tôi và các bạn đều bị mất giọng. Hiện tại, họng của tôi rất đau rát và mất giọng từ ngày đầu đặt chân đến Bắc Giang cho đến bây giờ”.

Nữ sinh trường y kể lại rằng việc lấy mẫu cho trẻ em là điều khó khăn nhất. Bởi, cây lấy mẫu là vật thể lạ, khi đưa vào mũi, họng sẽ làm cho trẻ em cảm thấy khó chịu. Theo phản xạ, các bé sẽ quấy khóc, tránh ra hoặc cầm tay mình kéo ra. Vì vậy, các tình nguyện viên phải học thêm kỹ năng trêu đùa, hoặc dỗ dành trẻ.

Ngoài việc này, trong thời tiết nắng nóng, làm việc nhiều giờ liền, các bạn sinh viên gặp nhiều bất lợi như mồ hôi chảy ướt hết áo.

Từ khi con gái đến Bắc Giang, bố mẹ Giang ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm, hôm nay như thế nào? Có thời gian nghỉ ngơi không? Ăn uống ra sao?

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời động viên từ người thân, bạn bè. Vậy nên, tôi cùng những sinh viên trường y luôn có động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Giang nói.

2 lần đi chống dịch

Cùng đoàn sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương lên đường đến Bắc Giang chống dịch, Nguyễn Phúc Đăng Ninh (sinh năm 1999) cho biết sau 4 ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, khắp lưng cậu bị đỏ ửng, bỏng rát.

Dù đau đớn, cậu nhất quyết không bỏ vị trí, hàng ngày vẫn cùng các nhân viên y tế lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân ở tâm dịch.

 Lưng của Đăng Ninh đỏ ửng, bỏng rát do dị ứng cồn và mặc đồ bảo hộ kín mít. Ảnh: NVCC.

Lưng của Đăng Ninh đỏ ửng, bỏng rát do dị ứng cồn và mặc đồ bảo hộ kín mít. Ảnh: NVCC.

“Trước đây, khi chống dịch ở Hải Dương, do mặc đồ bảo hộ liên tục, mình từng bị dị ứng nhưng không nặng như lần này. Hàng ngày, mỗi khi cởi áo bảo hộ ra, mình phải sát khuẩn bằng cách xịt cồn lên toàn thân. Hiện tại, dù khá đau rát, nhưng do vẫn ở trong tâm dịch, mình chưa đi khám được".

Ninh kể khi nhận được thông báo đến Bắc Giang chống dịch, cả lớp cậu chỉ có khoảng 3 tiếng để chuẩn bị tư trang, quần áo rồi lên đường. Thậm chí, có bạn còn không kịp báo cho gia đình, đành phải vừa lên xe vừa gọi điện.

Theo Ninh, đợt dịch lần này ở Bắc Giang, mọi người phải làm việc với cường độ và hoàn cảnh khắc nghiệt hơn nhiều.

“Thời tiết ở Bắc Giang nắng nóng nên mọi người mau xuống sức. Sáng 26/5, khi lấy mẫu xét nghiệm ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, một bạn đã ngất xỉu vì say nắng. Thậm chí, có nhiều bạn cả người đỏ ửng hết lên, phải nằm tạm xuống đất nghỉ ngơi", Ninh chia sẻ.

Hơn nữa, phần lớn đối tượng lấy mẫu xét nghiệm lần này đều là F1, nguy cơ lây nhiễm cao.

"Thời gian đầu, đi làm xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp, mình cũng lo lắng vì không biết họ có dương tính với SARS-CoV-2 hay không. Thế nhưng, lo lắng là để mình có biện pháp phòng tránh, có tinh thần làm việc cẩn trọng, chỉn chu hơn”.

Dù nhiệm vụ vất vả, cộng với thời tiết nắng nóng, nhưng đổi lại, ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, cán bộ, y bác sĩ cùng các bạn học viên như Ninh luôn được ưu ái chỗ nghỉ ngơi thoáng mát, mỗi bữa cơm đều được chuẩn bị tươm tất.

Hiện tại, điều mong muốn lớn nhất của chàng trai sinh năm 1999 là Bắc Giang sớm hết dịch, để cậu được về thăm gia đình.

Được cả nhà ủng hộ đi chống dịch

Vừa hoàn thành chương trình học lý thuyết tại Cao đẳng Dược Hà Nội, Vương Minh Tâm (sinh năm 2001) xung phong đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch ngay khi đọc được lời kêu gọi từ Thành đoàn Bắc Giang.

Sau 3 ngày đăng ký, chiều 19/5, Tâm nhận được gọi điều động. Tuy nhiên, đến khoảng 20h, cô mới thông báo cho gia đình biết về chuyến đi vào sáng sớm hôm sau.

 Minh Tâm sẽ tiếp tục việc hỗ trợ chống dịch đến khi tình hình ổn định. Ảnh: NVCC.

Minh Tâm sẽ tiếp tục việc hỗ trợ chống dịch đến khi tình hình ổn định. Ảnh: NVCC.

"Trước đó, mình không hề đả động gì đến chuyện đi tình nguyện. Khi mình đột ngột thông báo, mọi người không ai phản đối mà nhanh chóng động viên, bố mẹ còn giúp sửa soạn đồ luôn".

Ngay khi đến huyện Việt Yên, Tâm được phân công làm nhiệm vụ trong khu cách ly F1 gồm khoảng 100 người.

Hàng ngày, cô cùng một cán bộ y tế đi đo thân nhiệt cho mọi người, cung cấp nhu yếu phẩm, ghi chú lại vào hồ sơ; theo dõi những người có biểu hiện ho, sốt và báo cáo kịp thời.

"Công việc của mình không quần quật, vất vả như các y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hay tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm. So với mọi người, những gì mình làm còn quá nhỏ bé".

Khi xung phong làm tình nguyện viên, Tâm xác định sẽ hỗ trợ công tác chống dịch đến khi tình hình ổn định trở lại. Vì đã hoàn thành chương trình lý thuyết, cô chỉ đợi hết dịch mới cần đến bệnh viện thực tập.

Kiều Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-vien-truong-y-chi-co-3-tieng-chuan-bi-de-len-duong-den-bac-giang-post1220628.html