'Smartphone' và công dân toàn cầu

Các nhân sự trẻ cần phải thay đổi chính bản thân để trở thành một công dân toàn cầu.

Sau khi giá nhà chung cư ở thủ đô tăng gần gấp rưỡi trong vòng vài tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng phi mã và những cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài là hệ quả của dịch bệnh, chiến tranh, thì cơ hội việc làm và xây dựng một cuộc sống ổn định của những người trẻ bắt đầu trở nên mơ hồ hơn. Đời sống khó khăn cũng khiến hàng loạt cán bộ ngành y tế, giáo dục, ngoại giao… viết đơn xin nghỉ việc.

Tôi vẫn bảo các học trò của mình rằng, để có một chỗ đứng trong tình trạng cạnh tranh khắc nghiệt này, không còn cách nào khác là các nhân sự trẻ cần phải thay đổi chính bản thân để thích ứng tình hình.

Trở thành công dân toàn cầu

Thứ nhất, bạn có thể lựa chọn để trở thành "global citizen" - công dân toàn cầu. Từ này nghe có vẻ xa xôi nhưng thực chất chỉ là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng cơ bản là phải sử dụng từ hai ngôn ngữ trở lên. Như vậy thì rất nhiều học trò cũ của tôi đang là công dân toàn cầu, họ đi đi về về suốt từ các nước trong khu vực hoặc Đông Á. Có rất nhiều trò đang kinh doanh hoặc làm việc tại các bệnh viện, khách sạn ở Singapore, Philippines hoặc trên các du thuyền qua nhiều nước…

Yếu tố then chốt để trở thành một công dân toàn cầu là bạn phải thông thạo tiếng Anh (ảnh minh họa)

Yếu tố then chốt để trở thành một công dân toàn cầu là bạn phải thông thạo tiếng Anh (ảnh minh họa)

Từ đầu thế kỷ trước, Bác Hồ đã có thể trở thành công dân toàn cầu, giờ sang thế kỷ 21, các bạn trẻ không khó khi sang nước ngoài, khối tư nhân, tổ chức phi chính phủ làm việc. Khái niệm "global citizen" đã mở rộng hơn. Bạn làm việc trong công ty đa quốc gia với môi trường đa văn hóa hoặc làm việc từ xa cho các tổ chức, công ty nước ngoài cũng đã có thể coi như "global citizen".

Trở thành công dân thông minh

Thứ hai, bạn có thể lựa chọn để trở thành một "smart citizen" - công dân thông minh. Đây là từ đặt tạm, dựa trên các tính năng của "smartphone" (điện thoại thông minh). Thiết bị kỳ diệu này đã tích hợp đủ chức năng điện thoại, máy tính, máy ảnh, tivi, video, máy nghe nhạc, máy ghi âm, máy chơi game, giá sách, hàng chồng đĩa phim… Những thứ mà trước đây ta phải bỏ cả đống tiền ra mua. Công dân toàn cầu với 1 chiếc "smartphone" đã có thể đi khắp thế giới, thậm chí chẳng cần vali với ví, vì trong đó còn có cả banking, shopping, travelling agency, app học online, phòng họp online đủ tất.

Nếu bạn thích một chiếc điện thoại thông minh đến vậy thì các chủ tuyển dụng cũng thích một "smart citizen", người có thể tích hợp tối đa các tính năng. Ví dụ nếu nhà tuyển dụng bỏ ra 20 triệu để thuê một nhân viên truyền thông, thêm 20 triệu nữa cho ông biết tiếng Anh để phiên dịch, 20 triệu cho cậu thiết kế-quay phim-chụp ảnh-dựng clip, thì thay vì bỏ 60 triệu thuê 3 nhân viên, ông ta sẽ chỉ bỏ ra 40 triệu để thuê 1 nhân sự làm được tất tật những việc trên. Thế vẫn còn rẻ hơn mà đôi bên cùng có lợi. Chưa kể nếu nhân viên đó còn biết làm diễn giả, biết đào tạo nhân sự, đàm phán khách hàng khéo… thì nhà tuyển dụng giá nào cũng chẳng tiếc. Gặp nhân sự như thế cũng giống tậu về một chiếc "smartphone" vậy.

Đã qua rồi cái thời "một nghề thì sống, đống nghề thì chết", "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", "nhiều nghề cá trê húp nước". Giống như việc ngày xưa người ta rất sợ mua đồ của Tàu vì đồ Tàu thường đa chức năng, mới nhìn thì thích, đầu video dính liền với tivi, lại có thể nghe đài và có đèn nhấp nháy, nhưng phàm đã hỏng một thứ thì nó sẽ lần lượt "đơ" toàn bộ những thứ còn lại.

Giờ "smartphone" vừa nhỏ, vừa đẹp, chụp ảnh tương đương máy Canon du lịch đời mới nhất và tính năng nào cũng ổn. Giá tiền bỏ ra phù hợp với mức độ tính năng muốn nhận được. Nếu bạn có nhu cầu tối đa chuyên nghiệp, bạn có thể bỏ thêm vài chục triệu để mua một chiếc máy ảnh nhà nghề, nhưng với đa phần người tiêu dùng, một chiếc "smartphone" 3 camera là đủ thỏa mãn nhu cầu của họ rồi. Tương tự, một công ty lớn có thể bỏ tiền gấp nhiều lần để thuê riêng một nhân viên chỉ chuyên thiết kế, nhưng với đa phần các công ty vừa và nhỏ, các nhân sự kiêm nhiệm chức năng cũng đủ để thực hiện các yêu cầu công việc.

Yếu tố then chốt là thông thạo tiếng Anh

Yếu tố then chốt để trở thành một công dân toàn cầu là bạn phải thông thạo tiếng Anh. Chẳng còn con đường nào khác để có thể tồn tại trong kỷ nguyên khắc nghiệt này. Thời chúng tôi khác, không biết tiếng Anh thì hơi bất tiện nhưng vẫn sống ổn. Thời của Gen Z mà tiếng Anh không thông thì rất khó cạnh tranh và duy trì chỗ đứng.

"Tính năng" cơ bản đầu tiên của một "smart citizen" cũng là tiếng Anh. Đi gặp đối tác nước ngoài mà phải bê theo một cô phiên dịch nữa thì quá cồng kềnh. Khách hàng nhìn đã thấy chán, chưa kể thời gian làm việc tốn gấp đôi vì phải mất thời gian phiên dịch.

Thành thạo tiếng Anh còn giúp duy trì cuộc sống trong những tình huống khẩn cấp. Nói dại chứ nếu thập kỷ sau lại xuất hiện một dịch bệnh bị phong tỏa, các công ty bị đóng cửa, bạn không làm được công việc đang làm thì ngồi nhà dịch nhì nhằng hoặc dạy tiếng Anh online cũng đủ sống.

Một công dân toàn cầu, một công dân thông minh và một công dân của thế kỷ 21 cần phải biết tiếng Anh. Đó là lý do tại sao gần đây các trường đại học ưu tiên lựa chọn các thí sinh có điểm IELTS cao. Vì vậy, rất nhiều học trò ngại học tiếng Anh và nghĩ rằng mình không có năng khiếu. Nhưng rồi kỹ năng nói tiếng Anh cũng sẽ giống như kỹ năng nấu ăn. Bạn nấu dở nhưng nếu không tự nấu thì sao có thể suốt đời có người nấu cơm phục vụ mình được?

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//smartphone-va-cong-dan-toan-cau-179221003150103982.htm