Sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sáng 19/6, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bắc Kạn.
Sau 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành 2.196 văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở địa phương.
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp 03 lần so với trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.
Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn những hạn chế như: Một số địa phương chưa nghiên cứu, nắm vững Quy định 67-QĐ/TW; hoạt động của một số Ban Chỉ đạo chưa nền nếp, hiệu quả chưa cao; hiện còn 35 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chưa ban hành quy trình, quy định về nghiệp vụ...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham luận trao đổi kinh nghiệm hoạt động công tác PCTNTC tại đơn vị, địa phương và đưa ra những giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, sau 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác PCTNTC, nhất là trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân theo tinh thần chỉ đạo "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt gắn với thực tiễn đơn vị, địa phương. Đoàn kết, thống nhất cao, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phải có quy chế làm việc, có chương trình, kế hoạch, phương pháp khoa học, nền nếp, “đúng vai, thuộc bài”. Phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó có nhiều vướng mắc.
Ban Chỉ đạo phải phát huy tốt vai trò “tổng chỉ huy” điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTNTC; phát huy vai trò của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân; phải dựa vào dân lắng nghe dân, tập trung giải quyết những kiến nghị, tố cáo, bức xúc của Nhân dân về tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần quán triệt nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, ý nghĩa, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tầm quan trọng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; đặc biệt chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh tinh thần “sợ sai”, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.../.