Số lượng dự án được tháo gỡ khó khăn như 'muối bỏ biển'

Sau những chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng, hàng trăm dự án bất động sản, nhất là các dự án ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đã tìm thấy 'lối thoát' sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án gặp khó.

Nhiều dự án bất động sản được “cởi trói”

Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác là chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân.

 Nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: VNEC)

Nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: VNEC)

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có một số hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, trong Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị.

Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu, và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

Trong khi đó, ở TP HCM, Tổ công tác đã tiếp nhận và chuyển 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đến UBND TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền.

Đến đầu tháng 9, TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu. Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Các địa phương cũng tích cực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, nhờ đó đã khơi thông khó khăn cho một số dự án.

Số lượng dự án được tháo gỡ vướng mắc như “muối bỏ biển”

Sau những chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm khơi dậy thị trường, hàng trăm dự án bất động sản, nhất là các dự án ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đã tìm thấy “lối thoát” sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án bất động sản gặp khó và chưa thể giải quyết các vướng mắc về pháp lý.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án nhà ở mới được phê duyệt ngày càng bị hạn chế.

 Tuy nhiên, số lượng dự án được tháo gỡ vướng mắc như “muối bỏ biển”. (Ảnh: DM)

Tuy nhiên, số lượng dự án được tháo gỡ vướng mắc như “muối bỏ biển”. (Ảnh: DM)

Trong khi đó, ước tính khoảng 1200 dự án với giá trị khoảng 30 tỷ USD lại đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Kể từ cuối năm 2022 đến nay, mới chỉ có khoảng 500 dự án đang được tháo gỡ.

Nguồn cung nhà ở hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền, chi phí ở các khâu làm dự án đều cao,... khiến giá địa ốc, đặc biệt là căn hộ chung cư ở các thành phố lớn liên tục tăng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nhà ở xã hội gần như là cơ hội duy nhất cho giấc mơ an cư của đại đa số người dân.

Báo cáo của VARs cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội.

“Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội”, đại diện của VARs nêu.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản đánh giá, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có những động thái mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, số lượng dự án được “cởi trói” như “muối bỏ biển”. Bởi vì, các khó khăn của doanh nghiệp không giống nhau, nên cần phải có thời gian nghiên cứu, hoặc chờ đợi một số sửa đổi liên quan tới hệ thống pháp lý.

“Có thể nhiều dự án chưa được tháo gỡ khó khăn là do liên quan tới một số Luật đang được Quốc hội xem xét và thông qua trong thời gian tới đây, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hoặc Luật Đầu tư,... Do đó, nhiều địa phương vẫn đang chần chừ chờ đợi một số quy định được sửa đổi và được Quốc hội thông qua, rồi mới đưa ra các quyết định mới cho đúng quy định”, ông Tuấn cho biết.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, nhiều dự án bất động sản chưa được tháo gỡ vướng mắc là do có tình trạng cán bộ phụ trách sợ sai, sợ trách nhiệm và có tâm lý đùn đẩy.

Ông Tuấn cho rằng, điều này đúng và đã từng xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, đi đầu là TP HCM đã có một số chỉ đạo khá mạnh tay chấn chỉnh lại nghiệp vụ của cán bộ phụ trách.

Đơn cử, tháng 8 vừa qua, UBND TP HCM đã có chỉ đạo về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, TP HCM kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ sách nhiễu trong công tác phê duyệt quy hoạch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản…

“Như tôi đã chia sẻ, hiện nay, thị trường đang cần cú hích về hệ thống pháp luật và chờ đợi một số quy định mới được Quốc hội thông qua, từ đó, thị trường mới thật sự khởi sắc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-luong-du-an-duoc-thao-go-kho-khan-nhu-muoi-bo-bien-post269551.html