Số người tử vong vì bệnh lao nhiều hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính Việt Nam có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh lao, sơ kết công tác chống lao 6 tháng năm 2024.

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình phòng chống lao quốc gia tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 18/10. Dự Hội có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, ngành y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính nước ta có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, hiện nay số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo cho Chương trình Chống lao Quốc gia hàng năm tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%, khoảng 40% bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị còn trong cộng đồng.

TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao Quốc gia phân tích: “Thứ nhất, người dân còn kỳ thị với bệnh lao. Phát hiện bệnh lao nhưng người ta sợ, người ta kỳ thị. Hay ở nhóm cán bộ, viên chức.. người ta cũng hơi e ngại vì bệnh lao. Công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng sợ lao vì sợ mất việc. Tâm lý dân vẫn còn nghĩ bệnh lao không chữa được.. Đồng thời có một số lao kháng thuốc Việt Nam mình còn đang tồn tại rất lớn gắn với HIV, gắn với các tệ nạn xã hội.. dẫn đến việc kiểm soát lao của chúng ta còn nhiều thách thức, khó khăn”.

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân

Ngày 25/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 25 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Đây là hành lang pháp lý để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả cao, phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 thì công điện của Thủ tướng Chính phủ như hành lang pháp lý để hỗ trợ, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống bệnh lao.

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu

Hiện nay, 51/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. 6 tháng qua, Chương trình Chống lao Quốc gia triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao, bao gồm phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược 2X gồm X-quang sàng lọc và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán.

Tỷ lệ điều trị thành công bệnh Lao trên toàn quốc vẫn được duy trì ở mức cao trên 90%, đáp ứng được chỉ tiêu của WHO; nhưng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 76,4%, thấp hơn so với năm 2022 là 79,7%, nhiều tỉnh trên toàn quốc có tỷ lệ điều trị khỏi dưới 85%.

Thực tế, hiện nay khó khăn nhất vẫn là việc phát hiện chủ động bởi phần lớn người dân, công nhân lao động, thậm chí cả cán bộ, viên chức nhà nước vẫn còn tâm lý dấu bệnh, kỳ thị, sợ mất việc…

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Tại khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Nam là địa phương có tỷ lệ phát hiện bệnh chủ động khá cao trong cả nước. Đặc biệt, từ sau khi triển khai công điện, được trang bị máy X-quang cầm tay đã phát hiện hàng trăm ca bệnh Lao chủ động ở khu vực miền núi.

Trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân

Trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân

BS Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Quảng Nam chia sẻ: “Trong năm 2023, Quảng Nam phát hiện được 1600 ca, tuy nhiên 300 ca Lao chúng tôi phát hiện chủ động. Khi Chương trình chống lao phát cho chúng tôi máy X- quang di động, xuống cộng đồng chúng tôi phát hiện lao trong cộng đồng để quản lý và điều trị.

"Đặc biệt, sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình chống lao Quốc gia đã cấp cho Quảng Nam 1 máy X- quang xách tay, nhờ đó đã đến được với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn. Chúng tôi cũng đã phát hiện những bệnh nhân lao ở các xã miền núi, tỷ lệ lao cao và qua đó phát hiện ca lao kháng thuốc để quản lý và điều trị”.

Trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng chống lao và bệnh phổi lần thứ 7 năm 2022 của Bộ Y tế cho các cá nhân

Trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng chống lao và bệnh phổi lần thứ 7 năm 2022 của Bộ Y tế cho các cá nhân

Dịp này, Bộ Y tế tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng chống lao và bệnh phổi lần thứ 7 năm 2022 cho 1 tập thể là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và 6 cá nhân. Trao bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lao năm 2023.

Thành Long/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/so-nguoi-tu-vong-vi-benh-lao-nhieu-hon-so-nguoi-tu-vong-vi-tai-nan-giao-thong-post1129312.vov