Sổ tay người giám sát: Để nghị quyết trở thành động lực của phát triển

Kỳ họp thứ 2 (kỳ họp thường lệ) của HĐND tỉnh khóa XVII được tổ chức trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 và kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp, HĐND đã thảo luận các báo cáo bổ sung kết quả thực biện kế hoạch KT-XH năm 2020; tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách; các báo cáo của các ngành tư pháp 6 tháng đầu năm 2021…

Cũng tại kỳ họp, HĐND đã thảo luận và thông qua 21 nghị quyết (NQ) do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình. Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, đây là những NQ quan trọng liên quan đến việc thể chế các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của địa phương.

Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh đánh giá kết quả kỳ họp có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình khoa học, phù hợp quy định pháp luật, hoạt động của HĐND và yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh. Các Ban của HĐND tỉnh đã thực hiện tốt việc thẩm tra các báo cáo, dự thảo NQ thuộc lĩnh vực được phân công, làm cơ sở để UBND tỉnh, các ngành xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và trình kỳ họp theo quy định. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị nội dung một số báo cáo và dự thảo NQ trình tại kỳ họp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều hồ sơ dự thảo NQ trình kỳ họp gửi các Ban HĐND tỉnh thẩm tra không đảm bảo về thời gian, cá biệt còn có dự thảo trình chưa làm rõ sự cần thiết, nội dung sơ sài phải xin rút khỏi chương trình kỳ họp, một số dự thảo NQ phải chuyển kỳ họp sau do gửi thẩm tra không đúng hạn định. Điều này phản ánh kỷ luật lập pháp, lập quy của HĐND tỉnh chưa thực sự được coi trọng, nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu chủ động trong xây dựng chương trình công tác của các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo là các sở, ngành và cơ quan trình là UBND tỉnh. Bên cạnh đó là thái độ thiếu kiên quyết của các cơ quan thẩm tra, cơ quan quyết định trình hoặc cho rút khỏi chương trình kỳ họp, nên tình trạng chậm, xin rút, xin bổ sung vào chương trình kỳ họp HĐND tỉnh cứ lặp đi lặp lại và không ai phải chịu trách nhiệm.

Xin hãy thử tưởng tượng một dự án đầu tư công có giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chậm được HĐND chấp thuận chủ trương đầu tư thì hậu quả và thiệt hại như thế nào đối với ngân sách, với nền kinh tế, với lao động, việc làm? Nhưng thực tế, các dự án đã không được chuẩn bị nghiêm túc và trình kỳ họp kịp thời như vậy không phải là hiếm. Bên cạnh đó, chưa kể hàng chục dự án đầu tư ngoài ngân sách có khả năng đóng góp vào tổng đầu tư xã hội, đem lại tăng trưởng, tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động đang bị rất nhiều các sở, ngành "delay” (trì hoãn) với nhiều lý do mà chưa thể có mặt trong danh sách dự thảo NQ trình kỳ họp của HĐND, mới thấy hết việc chậm trình HĐND ban hành NQ thực sự là một điểm nghẽn cho phát triển của tỉnh, chứ không hẳn là chuyện "kỳ này chưa trình thì để… kỳ sau!” như một vài người nghĩ.

Một vấn đề khác là công tác thể chế, triển khai các NQ của HĐND đã ban hành cũng lại là một đoạn trường khác. Do chuẩn bị sơ sài, không đánh giá tác động, không xác định đầy đủ nguồn lực, không lường hết những khó khăn, nên khi HĐND ban hành NQ đưa vào triển khai thực hiện lại gặp nhiều lúng túng, loay hoay nghĩ cách, vì vậy, có những NQ ban hành có hiệu lực đã nửa năm mà cơ quan được giao hướng dẫn thực hiện vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn; có NQ ban hành chính sách nhưng vẫn nợ vì không thể bố trí nguồn lực để thực hiện… Những khiếm khuyết này cần sớm được các cơ quan chỉ rõ trách nhiệm và khắc phục bằng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xem xét năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

NQ và những quyết sách của HĐND, với địa vị pháp lý là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân luôn rất quan trọng và có tác động rất lớn đến đời sống chính trị, KT-XH và tình cảm của Nhân dân, của địa phương. Một chính sách của HĐND ban hành sớm, đúng lúc hay ban hành muộn đều có tác động tích cực hay tiêu cực đến hiệu quả quản lý Nhà nước, đến động lực phát triển KT-XH của địa phương, tác động tốt, xấu đến đời sống của mọi người dân. Vì thế, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn luôn là yêu cầu, là kỷ luật trong hoạt động lập pháp, lập quy của HĐND và cũng là yêu cầu của cử tri, của Nhân dân để nghị quyết của HĐND luôn trở thành động lực cho sự phát triển.

N.T.S

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/41/156331/so-tay-nguoi-giam-sat-de-nghi-quyet-tro-thanh-dong-luc-cua-phat-trien-.htm