Sổ tay phòng chống 'giặc lửa' ở nhà cao, ngõ hẹp trên thế giới – Bài 2: Đúc kết kinh nghiệm

Cháy nhà cao tầng hoặc trong ngõ nhỏ đang là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi trên thế giới và với thực tế các đô thị càng phát triển thì đây là kịch bản mà lực lượng cứu hỏa sẽ phải đối mặt nhiều lần. Do đó, nhiều quốc gia đã áp dụng quy định hoặc tìm biện pháp công nghệ mới để xử lý vấn đề này.

Sáng chế mới tiếp cận nhà trong ngõ nhỏ

Xe máy cứu hỏa của Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: INDIA TV

Xe máy cứu hỏa của Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: INDIA TV

Đối với những con ngõ nhỏ, khó khăn hàng đầu là khả năng tiếp cận địa điểm xảy ra hỏa hoạn và tìm nguồn nước. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng các phương tiện chữa cháy đặc thù hiện đại cho nhiệm vụ này.

Với còi báo động nhấp nháy và tiếng còi inh ỏi, những chiếc xe máy cứu hỏa có thể lách qua những khoảng trống hẹp nhất để đến những khu vực khó tiếp cận, nơi xe cứu hỏa không hoạt động được.
Một minh chứng cho tính hữu hiệu của phương tiện này là thành viên của đội xe máy cứu hỏa Singapore thường là những người đầu tiên đến hiện trường trong trường hợp khẩn cấp. Xe máy cứu hỏa có thể chở nhiều loại thiết bị chữa cháy như bơm chữa cháy di động, nước, thiết bị chữa cháy bằng bọt, thiết bị chữa cháy bằng bột khô, rìu cứu hỏa...

Theo Times of India, năm 2022, đội cứu hỏa Mumbai đã nhận được lô 12 xe máy cứu hỏa đầu tiên để xử lý các đám cháy ở các khu vực đông đúc. Xe máy cứu hỏa sẽ đóng vai trò là lực lượng ứng phó đầu tiên. Những xe máy cứu hỏa của lực lượng phòng cháy chữa cháy Mumbai được trang bị bình chứa nước, bình chữa cháy, còi báo động, thiết bị liên lạc không dây và vòi.

Robot cứu hỏa cũng là một giải pháp khi vừa giúp giảm thiểu rủi ro đối với thành viên lực lượng cứu hỏa đồng thời hỗ trợ tiếp cận được nhiều kiểu địa hình. Kênh CNN (Mỹ) đưa tin, vào năm 2020, Sở cứu hỏa Los Angeles là cơ quan đầu tiên ở Mỹ bổ sung robot chữa cháy vào lực lượng. Robot chữa cháy này có tên Thermite RS. Theo Sở cứu hỏa Los Angeles, Thermite RS có các bánh lốp giống như một chiếc xe tăng, một càng hình chữ V có khả năng đẩy các mảnh vụn, xe cộ, ra khỏi đường đi. Vòi phía trước có thể phun nước hoặc bọt với tốc độ 7.570 lít mỗi phút. Thermite RS được điều khiển từ xa bởi lính cứu hỏa đã qua đào tạo. Robot này cũng được trang bị camera.

Robot của Sở cứu hỏa Los Angeles City (Mỹ). Ảnh: Los Angeles Daily News

Robot của Sở cứu hỏa Los Angeles City (Mỹ). Ảnh: Los Angeles Daily News

Ngoài việc trang bị các thiết bị tiên tiến để dập lửa, việc nâng cao nhận thức của người dân để chính bản thân họ có phản ứng nhanh nhạy và kịp thời trong phòng cháy chữa cháy cũng là yếu tố then chốt khi xử lý hỏa hoạn ở những con ngõ nhỏ. Một ví dụ là thủ đô Hà Nội vốn có hơn 1.200 tuyến phố mà phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được. Để phòng chống hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy và cách thoát nạn cho các hộ gia đình. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cải tạo hệ thống điện, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, giúp người dân xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và thoát nạn.

Bên cạnh đó, có một vấn đề nhức nhối khác là việc thiếu không gian đỗ ô tô trong đô thị khiến nhiều người điều khiển xe lựa chọn việc dừng ở các con ngõ cũng dễ gây cản trở cho lực lượng cứu hỏa trong tình huống khẩn cấp. Đây cũng là tình huống cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Tháng 3/2023, Sở cứu hỏa hạt Leicestershire (Anh) cảnh báo các tài xế về cách đỗ xe trên những con đường hẹp. Một trạm cứu hỏa tại hạt đã đăng những bức ảnh lên mạng xã hội Facebook cho thấy xe cứu hỏa cố len xuống con đường hẹp với ô tô và xe tải đậu chật hai bên đường.

Người phát ngôn của trạm cứu hỏa giải thích rằng việc xe cứu hỏa gặp khó khăn khi tiếp cận những con đường hẹp do người lái xe thiếu quan tâm là điều thường thấy. Người phát ngôn đã đề nghị người lái xe quan tâm hơn và suy nghĩ xem liệu một phương tiện lớn có thể tiếp cận được vào con đường sau khi họ đỗ xe hay không. Bà Laura Ferreira, giám đốc sở giao thông thành phố Fall River, bang Massachusetts (Mỹ) trong khi đó nhận định với tờ Herald News rằng, ở thành phố có các khu dân cư đông đúc, nơi các phương tiện cứu hỏa có thể gặp khó khăn khi rẽ, điều quan trọng là phải thực thi các quy tắc đỗ xe.

Hình ảnh do trạm cứu hỏa thuộc Sở cứu hỏa hạt Leicestershire đăng tải. Ảnh: leicestermercury.co.uk

Hình ảnh do trạm cứu hỏa thuộc Sở cứu hỏa hạt Leicestershire đăng tải. Ảnh: leicestermercury.co.uk

Những ưu tiên trong phòng cháy nhà cao tầng

Một quy định đáng chú ý tại Singapore là các tòa nhà cao tầng đều phải có tầng trú ẩn. Tầng trú ẩn là những tầng đặc biệt đóng vai trò nơi trú ẩn an toàn để cư dân không phải di chuyển quá nhiều tầng trong trường hợp hỏa hoạn, đặc biệt đối với những đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật...

Bộ luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành của Singapore quy định rằng cứ 20 tầng trong một tòa chung cư cao tầng có một tầng trú ẩn. Tối thiểu 50% tổng diện tích sàn của tầng trú ẩn phải được chỉ định làm khu vực tạm trú trong trường hợp khẩn cấp về hỏa hoạn. Người ta có thể xác định tầng trú ẩn bằng biển báo được treo trên tường bên trong cầu thang và ngay bên ngoài cầu thang ở tầng trú ẩn.

Vì tầng trú ẩn được liên kết với tất cả các khối của tòa chung cư cao tầng nên cư dân đều có thể dễ dàng tiếp cận. Nó đóng vai trò là lối thoát hiểm cho những người sơ tán từ khối bị ảnh hưởng đến các khối không bị ảnh hưởng. Nhân viên cứu hỏa của Singapore cũng có thể thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và chữa cháy từ các tầng trú ẩn này. Tầng trú ẩn cũng có khu vực mở để phân tán khói hiệu quả.

Một góc Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Một góc Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày càng có nhiều công nghệ hiện đại được sáng chế với mục đích chính là giúp dập lửa ở những công trình khó tiếp cận như tòa nhà cao tầng. Vào tháng 10/2023, tại một triển lãm về công nghệ, thiết bị và phòng cháy chữa cháy ở Bắc Kinh, công ty XCMG Group, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về máy móc công nghiệp của Trung Quốc, đã ra mắt công nghệ thiết bị bay không người lái trí tuệ nhân tạo (AI) để dập lửa tại nhà cao tầng, rừng... Theo đó, thiết bị bay không người lái cứu hỏa có thể gắn bom chữa cháy bằng bột khô hoặc thùng chứa dưới áp lực và ống để phun bọt khí nén.

Ngoài ra, các tòa nhà cao tầng cũng cần trang bị hệ thống báo cháy và phát hiện cháy đáng tin cậy. Cần lắp đặt các đầu báo khói, thiết bị báo cháy, hệ thống phun nước chữa cháy tự động ở tất cả các khu vực của nhà cao tầng. Để đưa ra cảnh báo sớm về hỏa hoạn và nhanh chóng kích hoạt các cơ chế phản ứng phù hợp, các hệ thống này cần được giám sát liên tục.

Hơn nữa, các tòa nhà cao tầng cần có vật liệu xây dựng chống cháy và rào chắn chống cháy được bảo trì tốt. Để hỗ trợ cả cư dân tòa nhà và người ứng cứu khẩn cấp trong giai đoạn cấp bách, phải có các biển báo và hệ thống định vị thích hợp.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN, Times of India)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-tay-phong-chong-giac-lua-o-nha-cao-ngo-hep-tren-the-gioi-bai-2-duc-ket-kinh-nghiem-20240608135706048.htm