Sò, thực phẩm sẽ cứu hành tinh?

Nếu việc sản xuất mỗi tấn thịt bò phát thải 340 tấn khí nhà kính, thì 1 tấn thịt sò chỉ sinh ra 11 tấn khí thải.

Khả năng lọc nước của vẹm (một loài sò) là 1,75l/h/con.

Khả năng lọc nước của vẹm (một loài sò) là 1,75l/h/con.

Sò giàu đạm, vi chất, bảo đảm sự phát triển thể chất cho trẻ và cân bằng dinh dưỡng ở người trưởng thành. Dù là vì sức khỏe con người hay quả đất, sò vẫn là lựa chọn số 1.

Thực phẩm phổ biến

Sò (Arcidae) là động vật thân mềm 2 mảnh vỏ, sống trong các môi trường nước mặn, lợ và ngọt khắp Trái đất. Chúng có tổng cộng trên 200 loài.

Không có loài động vật nào trên thế giới lại dễ sinh trưởng hơn sò. Bất chấp điều kiện thức ăn và môi trường tự nhiên, sò luôn tìm được cách sống sót. Nhờ tạp ăn và khả năng tiêu hóa vô địch, chúng chỉ cần nhặt nhạnh đồ ăn thừa cũng đủ sinh tồn.

Từ thời cổ đại, nhân loại đã biết ăn sò. Theo phát hiện khảo cổ, ít nhất từ 4.500 năm trước, các tộc người sống dọc bờ biển phía Bắc của châu Úc đã xem sò huyết như thực phẩm chính.

Ngày nay, sò cũng là một trong các thực đơn quen thuộc. Tại các quốc gia có biển và hệ thống sông ngòi phong phú, chúng còn là nguồn sinh kế quan trọng. Theo ước tính của các chuyên gia, sò đang nuôi sống khoảng 1 tỷ người.

Nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra, hàm lượng protein trong sò cao hơn khá nhiều loại thịt và cây trái. Đặc biệt, thịt sò còn giàu axit béo omega-3 cùng các vi chất thiết yếu như sắt, kẽm, magiê... Đối với trẻ em, sò là món ăn chống suy dinh dưỡng, giúp gia tăng sự phát triển.

Siêu lợi môi trường

Từ lâu, các nhà môi trường đã biết đến tác dụng tích cực của sò trong hệ sinh thái. Chúng được ví như “máy lọc tạp chất”, làm sạch nước. “Mỗi con vẹm (một loại sò) có thể lọc 1,75l nước biển/h”, Antony Knights - nhà sinh thái của Đại học Plymouth (Anh) cho biết. “Nếu chúng sống với mật độ khoảng 500 con/m2, nước biển sẽ được lọc sạch”.

Chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng khí hậu và nuôi trồng là một trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính nghiêm trọng nhất. Trung bình, việc sản xuất 1 tấn thịt bò phát thải ra môi trường 340 tấn khí độc hại. Ngay cả nuôi tôm, cá dưới nước cũng phát thải CO₂, CH₄, N₂O...

“Chúng tôi luôn biết, chăn nuôi phát thải khí nhà kính nhiều hơn trồng trọt”, David Willer - nhà động vật học người Anh lên tiếng. “Nhưng thật bất ngờ, lượng phát thải khí nhà kính do nuôi sò lại thấp hơn cả độc canh một số loài cây trồng”.

Trung bình, việc sản xuất 1 tấn sò chỉ phát thải 11 tấn khí nhà kính, thấp gần 31 lần so với nuôi bò. Cũng theo tính toán của Willer, nếu ngư dân chăn nuôi các loài cá săn mồi sử dụng 25% thức ăn là sò, lượng CO₂ cũng giảm 16,3 triệu tấn/năm. Ngoài ra, sò còn góp phần ngăn chặn tảo nở hoa do tác động của nuôi trồng hải sản và canh tác nông nghiệp ven biển.

Đại dương vốn là môi trường sinh tồn của đa dạng các loài tảo. Bình thường, tảo chỉ đơn giản là những tế bào diệp lục hiền lành. Chúng sinh trưởng bằng cách quang hợp, cung cấp O₂. Tuy nhiên, khi lượng phân bón và chất thải nông - ngư nghiệp bị tràn ra biển quá nhiều, tảo sẽ tận dụng triệt để và sinh trưởng bùng nổ. Chúng đảo ngược quá trình quang hợp, phát thải CO₂ trên diện rộng, giết toàn bộ sự sống.

Sò có thể ngăn chặn thảm họa sinh thái này, vì chúng ăn cả tảo lẫn chất thải nông - ngư nghiệp. Bên cạnh đó, chúng còn tạo điều kiện cho các động thực vật khác sinh trưởng an toàn.

Mở rộng toàn cầu

Sò mang tiềm năng cứu hành tinh khỏi thảm họa khí thải nhà kính.

Sò mang tiềm năng cứu hành tinh khỏi thảm họa khí thải nhà kính.

Có điều, sò không hẳn là thực phẩm an toàn. “Về cơ bản, sò là động vật đại diện cho sức khỏe môi trường nước”, Rachel Hartnell - chuyên gia thủy sản của Anh lên tiếng: “Chỉ cần mổ xẻ và nghiên cứu một con sò, có thể biết rõ đặc điểm của vùng nước nó sinh sống. Loài động vật này không biết lựa chọn thức ăn. Chúng ăn tạp, không từ cả các vi sinh vật gây hại, hóa chất hay chất độc”.

Sự an toàn của thực phẩm sò tùy thuộc vào môi trường đánh bắt và nuôi. “Chúng ta cần tìm hiểu, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa sò đến tay người tiêu dùng”, Hartnell cảnh báo.

An toàn đánh bắt và nuôi trồng là thứ con người có thể xác nhận và quản lý được. Chỉ cần giải quyết tốt 2 rủi ro này, Hartnell tin sò sẽ trở thành sinh kế và mặt hàng hấp dẫn.

Khai thác và nuôi sò đều là chuyện dễ làm, chi phí thấp. Vào tháng 11/2019, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Y tế Thế giới (WHO) đã có nhiều buổi hội thảo, hướng dẫn nuôi sò vệ sinh ở Angola, Madagascar, Mozambique, Namibia (4 quốc gia Châu Phi). “Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tại các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương”, Rome Garrido Gamarro - nhân viên FAO cho biết.

Hiện tại, thế giới có trên 2 tỷ người bị thiếu vi chất. Sò lại là thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu, chứa nhiều vitamin A và D. “Phát triển nuôi sò an toàn, chi phí thấp và bền vững sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu”, Willer tự tin.

Theo báo cáo tài nguyên quốc tế, Trái đất đang sẵn khoảng 1,5 triệu km2 bờ biển thích hợp nuôi sò sạch. Willer cho rằng, chỉ cần tận dụng 1% diện tích này, đã đủ để đáp ứng nhu cầu protein của 1 tỷ người.

Sò là thực phẩm dễ chế biến; luộc, nướng, hấp, xào... đều được. Chúng cũng đa dạng chủng loại, mùi vị, kích cỡ cho người tiêu dùng lựa chọn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/so-thuc-pham-se-cuu-hanh-tinh-VF0BBhbMg.html