'Sờ vào đâu, sai ở đó': Nhiều Bộ ngành không ủng hộ kiểm toán các dự án BOT từ đầu?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhắc lại, khi đặt vấn đề kiểm toán các dự án BOT, nhiều bộ, ngành không ủng hộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thậm chí, có nhiều ý kiến phản đối nội dung trên.
Phát biểu tại Hội thảo "Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước" sáng 6/6, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhắc đến quá trình kiểm toán các dự án BOT.
"Khi đặt ra vấn đề này, nhiều bộ, ngành không ủng hộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thậm chí, có nhiều ý kiến phản đối nội dung trên. Tuy nhiên, sau kiểm toán 61 tại dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Đây là kết quả "để lại dấu ấn trong sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, ông cảm thấy "buồn" vì tuy có hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ, hệ thống chính trị luật pháp nhưng Kiểm toán Nhà nước "sờ vào đâu, kiểm toán ở đâu, sai phạm ở đó".
Theo ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV, về cơ chế quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lĩnh vực giao thông, qua kiểm toán đã phát hiện một số bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách như: Chưa có tiêu chí lựa chọn đối với dự án BOT nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông đã có; quy định về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa cụ thể;
Bên cạnh đó, việc xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính không có quy định cụ thể; quy định tỷ lệ chi phí vận hành thu phí so với số tiền thu phí theo khung quá rộng; chưa có quy định phương pháp điều tra, thống kê số lượng phương tiện lưu thông qua trạm thu phí để lập phương án tài chính; chưa có cơ chế kiểm soát phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; quy định về vị trí đặt trạm thu phí chưa triệt để.
Câu chuyện kiểm toán dự án BOT cũng làm nóng nghị trường phiên chất vấn Quốc hội diễn ra hôm qua.
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 5/6, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình cho hay, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giao thông Vận tải có nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là dự án tư nhân.
"Vì sao hai Bộ không muốn kiểm toán dự án BOT giao thông. Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì người dân có phải trả tiền oan không? Có lợi ích nhóm trong vấn đề này không," vị đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, ngay từ khi triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.
"Không phải như thông tin nói Bộ Giao thông Vận tải không cho kiểm toán vào. Ngành giao thông đã chủ động mời cơ quan kiểm toán, thậm chí cả công an vào cuộc và "gần như 100% dự án BOT có kiểm toán", ông Thể nói.
Với số liệu giảm 222 năm thu phí, Bộ trưởng Thể cho biết, theo quy định, khi dự án được phê duyệt, cơ quan quản lý ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong thì dự án mới quyết toán.
"Căn cứ vào khối lượng quyết toán thực tế thì ta mới điều chỉnh hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí. Nếu Kiểm toán Nhà nước căn cứ vào dự án khi mới phê duyệt thì sau này khối lượng phát sinh sẽ không đúng thực tế", ông nói.
Theo đó cho biết: "Kiến nghị giảm 222 năm đúng, nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán cho thu phí thì giảm, chứ không phải như số liệu của kiểm toán".
Tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng: "Bộ trưởng nói "không né tránh Kiểm toán Nhà nước tại các dự án BOT và chủ động mời cơ quan kiểm toán vào cuộc" là chưa chính xác".
Ông thẳng thắn "đang ngồi cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước" và cho biết, Bộ Giao thông Vận tải chỉ mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán 3 dự án là: Hầm Đèo cả, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.
"Trước đó Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng tình với ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư là không kiểm toán các dự án BOT giao thông," vị đại biểu này nhấn mạnh lại.
Tiếp tục phản hồi lại tranh luận của đại biểu, người đứng đầu ngành giao thông một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi đã chỉ đạo nhà đầu tư chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào ngay từ đầu. Đó là sự chỉ đạo của bộ chứ không phải ý thức của từng nhà đầu tư. Còn sau này, hậu kiểm các dự án, dự án nào có vấn đề thì ta kết hợp làm rõ".