Sóc Sơn: Sớm làm rõ trách nhiệm để tồn tại 9 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép
Theo đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội, kết quả thực hiện cho thấy tại huyện Sóc Sơn còn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép tại những địa bàn giáp ranh và ngay tại những khu vực sông thuộc địa bàn huyện; người dân rất bức xúc, phản ánh hoạt động khai thác trái phép này diễn ra cả ngày lẫn đêm, cho thấy công tác quản lý còn nhiều bất cập...
Hôm nay (29/10), đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát về công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Trong đó, đoàn đã đến khảo sát thực tế một số bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) hoạt động không phép thuộc địa bàn các xã Xuân Thu, Trung Giã.
Làm việc tại UBND huyện Sóc Sơn, đại diện Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết, trên địa bàn không có tình trạng khai thác, hút cát trái phép công khai, song vẫn diễn ra tình trạng hút cát lén lút vào ban đêm của các chủ thuyền ở khu vực giáp ranh Sóc Sơn với tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và huyện Đông Anh. Qua rà soát hiện toàn huyện có 9 bãi chứa, trung chuyển VLXD (31 chủ) hoạt động không phép thuộc địa bàn 7 xã ven sông là Bắc Phú (2 bãi), Việt Long (1 bãi), Kim Lũ (1 bãi), Xuân Giang (1 bãi), Xuân Thu (1 bãi), Trung Giã (3 bãi), Tân Hưng (1 bãi). Cùng đó, trên địa bàn huyện không có đơn vị, tổ chức được cấp phép khai thác bến thủy nội địa và bến khách ngang sông, nhưng có 1 bến thủy nội địa hàng hóa tại xã Trung Giã và 2 bến hành khách hoạt động không phép tại các xã Việt Long, Tân Hưng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp các ngành đã phát hiện 11 vụ khai thác cát trái phép có 21 đối tượng, xử phạt trên 500 triệu đồng, tịch thu 1 thuyền và 3 đầu máy nổ; có 2 vụ vượt quá thẩm quyền huyện thì chuyển UBND TP xử phạt trên 300 triệu đồng. Đồng thời, UBND xã Trung Giã xử phạt 23 trường hợp với số tiền 79 triệu đồng; UBND huyện xử phạt 24 trường hợp với số tiền 937 triệu đồng (tại các xã Bắc Phú, Trung Giã, Xuân Giang, Kim Lũ, Việt Long). Cùng đó, Đội Thanh tra GTVT huyện đã xử phạt vi phạm hành chính với 3 chủ hoạt động bến thủy nội địa hàng hóa tại xã Trung Giã với số tiền 30 triệu đồng.
Lý giải tình trạng này, lãnh đạo huyện cho biết do khó khăn là trên địa bàn có một số bãi chứa, trung chuyển VLXD tồn tại mang tính lịch sử; khi thực hiện Nghị định 64/CP, các hộ dân không được giao đất để sản xuất nông nghiệp, không có nghề gì khác ngoài kinh doanh cát sỏi, nên nếu không cho họ tồn tại hoạt động này thì rất khó giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, hoạt động bến bãi trung chuyển VLXD trên địa bàn chủ yếu phục vụ Nhân dân trong huyện xây dựng công trình dân dụng; quy mô hoạt động bến bãi ven sông nhỏ trong khi thủ tục thuê đất rất phức tạp; các con sông là ranh giới hành chính giữa các huyện, tỉnh nên khi lực lượng phát hiện vi phạm thì người điều khiển phương tiện di chuyển sang địa phương khác; các tàu thuyền không có giấy phép hành nghề, di chuyển tự do; đối tượng khai thác cát rất manh động… Từ đó, UBND huyện đề nghị với những trường hợp sử dụng đất công, đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả phù hợp quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định 711 ngày 1/2/2013 phù hợp tiêu chí của Văn bản 6787 ngày 29/8/2018 thì Sở TNMT và UBND TP cần hướng dẫn trình tự, thủ tục cho thuê đất theo quy định. Huyện cũng đề nghị bổ sung vào quy hoạch điểm tập kết trung chuyển VLXD là bãi sông Công thuộc xã Trung Giã; ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư với hộ dân, cá nhân; tiếp tục chỉ đạo Công an TP tăng lực lượng và phối hợp UBND huyện trong kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các tàu thuyền không có giấy phép hành nghề.
Qua khảo sát thực tiễn, các thành viên đoàn đánh giá huyện Sóc Sơn đã nghiêm túc chấp hành theo chỉ đạo, đưa công tác quản lý khai thác cát sỏi lòng sống và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn dần đi vào đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy còn tình trạng khai thác trái phép tại những địa bàn giáp ranh và ngay tại khu vực sông Cà Lồ thuộc địa bàn huyện; người dân rất bức xúc, phản ánh hoạt động khai thác trái phép này diễn ra cả ngày lẫn đêm, cho thấy công tác quản lý còn nhiều bất cập. “Trách nhiệm này liên quan cả chính quyền địa phương và cả lực lượng công an” - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nêu rõ.
Cũng theo ông Quân, với hoạt động bãi trung chuyển VLXD, TP đã có quy hoạch bến bãi từ năm 2013 là căn cứ pháp lý rất quan trọng cho các cấp, ngành đưa hoạt động bến bãi vào quy định. Năm 2018, UBND TP cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở TNMT cùng các quận, huyện rà soát các bến bãi, bến thủy nội địa; những điểm nào đủ điều kiện thì tạo thuận lợi cho các chủ bến thực hiện kinh doanh đúng quy định, với những điểm chưa được cấp phép thì phải giải tỏa trả lại mặt bằng. Tuy vậy, tại huyện Sóc Sơn chưa rõ việc với 9 bãi trung chuyển hoạt động không phép dưới sự quản lý của 31 chủ đã được rà soát thì sẽ đề xuất xử lý thế nào. Qua các ý kiến, khó khăn được nêu lên nhiều là việc giao đất, làm hợp đồng thuê đất cho các bến bãi rất khó khăn, song cần làm rõ cụ thể vướng ở đâu: Do các bến bãi không đủ diện tích đất được cấp phép theo quy định hay do nguồn gốc đất, do thủ tục hành chính, do TP hướng dẫn chưa đầy đủ…
Kết luận cuộc khảo sát, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga ghi nhận những cố gắng của huyện Sóc Sơn và các sở, ngành liên quan trong thực hiện công tác này thời gian và khẳng định, đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại buổi khảo sát để tổng hợp, báo cáo HĐND TP và đề xuất với UBND TP để có những giải pháp góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý này trong thời gian tới. Cùng đó, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với nhau và phối hợp chính quyền địa phương trong giải quyết, hướng dẫn thực hiện các trình tự thủ tục cho địa phương trong quản lý nhà nước tốt hơn. Về phía huyện Sóc Sơn, cũng cần tích cực phối hợp các sở, ngành hơn nhất là trong thực hiện công tác rà soát quy hoạch các bễn bãi (đã kéo dài 2 năm nay chưa hoàn thành).