Sóc Trăng: Bệnh trên tôm nước lợ có chiều hướng tăng
Dịch bệnh trên tôm nước lợ niên vụ 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang có chiều hướng tăng nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, vừa gây thiệt hại cho người nuôi, vừa làm chậm tiến độ thả nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, bệnh gây hại trên tôm nuôi chủ yếu là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và tôm bị bệnh do môi trường nuôi không đảm bảo; cùng các yếu tố bất lợi về thời tiết. Bệnh xảy ra ở cả vùng nuôi có diện tích lớn và nhỏ lẻ; một số diện tích bệnh người nuôi không báo cáo, tự xử lý, do vậy nguy cơ lây lan bệnh cao.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 6.2020, diện tích tôm nước lợ thả nuôi trên toàn tỉnh là 22.981 héc-ta (trong đó tôm sú 6.210 héc-ta, tôm thẻ 16.771 ha) đạt 46% kế hoạch. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 1.505 héc-ta, chiếm 6,5 % diện tích thả. Một số địa phương có diện tích tôm thiệt hại nhiều là các xã Gia Hòa 1 (213 héc-ta), Hòa Tú 2 (143 héc-ta), Tham Đôn (105 héc-ta), Ngọc Đông (91 héc-ta) của H.Mỹ Xuyên. Còn TX.Vĩnh Châu thiệt hại ở các xã Hòa Đông (94 héc-ta), Khánh Hòa (108 héc-ta)... - Ảnh: Vũ Phong
Để đảm bảo an toàn cho vùng nuôi trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm có diện tích thiệt hại không được xả nước ra môi trường bên ngoài, nên xử lý ao nuôi bằng thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành Thú y. Các hộ nuôi xung quanh khu vực có dịch bệnh không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi; lấy nước từ ao lắng và có sử dụng thuốc sát khuẩn, diệt giáp sát triệt để trước khi đưa vào ao nuôi.
Nên ngưng thả giống mới cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định và điều kiện môi trường thuận lợi. Đặc biệt là trong khâu chọn giống thả nuôi, người dân cần chọn giống tại các cơ sở có uy tín, con giống trước khi thả nuôi phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) trước khi thả nuôi.
Ông Huỳnh Ny ở xã Thạnh Quới (H.Mỹ Xuyên) cho biết, năm nay gia đình ông thả gần 3.000 m2 tôm thẻ nhưng được mới được khoảng 1 tháng tuổi là tôm bị bệnh và chết dần. Gia đình cũng cố vớt vát để thu hoạch nhưng không được bao nhiêu. Đây là vụ thứ 2 liên tiếp mà gia đình bị lỗ. Giờ thì 1 ao bỏ trống, ao lớn hơn thì không dám nuôi tôm thẻ nữa mà thả lan tôm sú với hy vong vớt vát được phần nào vốn. “Cứ đà này, chắc bỏ ruộng lên Bình Dương, Đồng Nai... quá”, ông Huỳnh Ny than thở.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) trong năm 2019 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 21.986 héc-ta, trong đó, diện tích tôm bị thiệt hại do các bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, do vi bào tử trùng (EHP) chiếm diện tích hơn 6.200 héc-ta.
Thu hoạch tôm nuôi ở Sóc Trăng- Ảnh: Vũ Phong
Trong năm 2019, Sóc Trăng được đánh giá là 1 trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh trên tôm. Đối với bệnh đốm trắng, Sóc Trăng là địa phương có diện tích bị bệnh lớn nhất với trên 422 héc-ta, chiếm trên 18,5 % tổng số diện tích gần 2.300 héc-ta tôm nước lợ bị bệnh. Tiếp đến là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và các địa phương khác. Với bệnh hoại tử gan tụy cấp, Sóc Trăng cũng là địa phương có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm trên 35 % trong tổng diện tích gần 2.700 héc-ta bị bệnh của các tỉnh.
Năm 2020, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt sản lượng thủy sản 317.000 tấn, (trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn). Kim ngạch thủy sản ước đạt 670 triệu USD. Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thông báo về khung lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20.1.2020 đến ngày 30.9.2020. Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi trên 22.981 héc-ta tôm nước lợ (trong kế hoạch 50.000 héc-ta).
Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng sẽ kết thúc, trong khi tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh đang có chiều hướng tăng lên, người nuôi thì hết sức dè chừng trong khâu thả nuôi sẽ là những thách thức rất lớn đối với tỉnh Sóc Trăng trong việc hướng đến vụ nuôi đạt thành công và đạt kế hoạch.