Sóc Trăng phát triển du lịch xanh - du lịch cộng đồng

Phát huy lợi thế về hệ động vật, thực vật phong phú, các huyện như: Kế Sách, Cù Lao Dung và Mỹ Tú (Sóc Trăng) là những địa điểm lý tưởng để xây dựng mô hình du lịch xanh - du lịch cộng đồng (DLCĐ). Bước đầu, những mô hình này đã phát huy hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan, khám phá và trải nghiệm thực tế.

Sóc Trăng được du khách trong và ngoài nước biết đến là xứ sở của các ngôi chùa, lễ hội nổi tiếng, độc đáo; hội đủ các yếu tố, thế mạnh về sông, biển, kênh, rạch, rừng và các dãy cù lao chạy dài hơn 50km dọc theo sông Hậu ra tận biển Đông, được thiên nhiên ưu đãi, phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa là lợi thế rất lớn để tỉnh tập trung phát triển các loại hình du lịch… Theo đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, homestay với các hoạt động như: tham quan nhà vườn, hái trái cây, đờn ca tài tử; khám phá cánh rừng phòng hộ nguyên sinh; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của các khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã.

Năm 2018, UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Đề án Phát triển DLCĐ giai đoạn 2017 - 2020, ngành Du lịch đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án tại 3 cụm. Đến nay, đã cơ bản hình thành 3 mô hình mẫu tại các huyện: Mỹ Tú, Kế Sách và Cù Lao Dung. Tại các cụm DLCĐ, du khách sẽ được khám phá không gian văn hóa đậm chất Nam Bộ, trải nghiệm cuộc sống đời thường vô cùng mộc mạc, chất phác của cộng đồng địa phương: chèo xuồng đi vớt ốc, hái rau, giở lợp đổ cá, đặt trúm bắt lươn; ra vườn hái rau, hoa màu và trái cây về tự chế biến các món ăn dân dã địa phương…

Homestay chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: THI RE

Homestay chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: THI RE

Nhận định về xu hướng mới sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch sinh thái - DLCĐ sẽ lên ngôi. Những loại hình du lịch này sẽ thu hút du khách vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hòa mình với thiên nhiên; đồng thời, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách. Trong những ngày đầu năm mới, một số điểm DLCĐ trong tỉnh đã có nhiều du khách từ các tỉnh bạn đến tham quan, trải nghiệm, có đoàn nghỉ qua đêm. Du khách đều đã chích ngừa vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 và mũi 3, thực hiện nghiêm chỉnh khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế. Các dịch vụ đều được khép kín trong khuôn viên của homestay như chèo xuồng, tát mương, bắt cá, xem các thùng ong nuôi trong vườn, giao lưu đờn ca tài tử.

Anh Trần Quang Cần - chủ Farmstay Sân Tiên cho biết: “Trong những ngày tết Nguyên đán, tại Farmstay Sân Tiên thu hút được lượng khách đến tham quan, trải nghiệm. Farmstay Sân Tiên sẽ tăng cường thêm một số dịch vụ, nâng cấp thêm phòng nghỉ, để đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách”.

Theo bà Lý Thị Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng), ngoài các điểm cụm DLCĐ, trong những ngày đầu năm tại các điểm du lịch chùa như: Mahatup (chùa Dơi), Som Rong, Sro Lôn (Chén Kiểu), Peam Buôl Thmây, Đất Sét, Đình Năm Ông... cũng thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến viếng, thắp hương cầu an năm mới, phát tài và nghỉ dưỡng. Trên cơ sở đó, trung tâm đã tham mưu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai công tác xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu thông tin về các sản phẩm DLCĐ đến với người dân, doanh nghiệp trong cả nước.

Việc phát triển các mô hình du lịch cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, các truyền thuyết lịch sử gắn với quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của địa phương. Ngành Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực phối hợp và triển khai kịp thời, có hiệu quả biện pháp để phục hồi ngành du lịch, ngoài các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, nguồn nhân lực du lịch có thêm động lực, có thể đứng vững trước đại dịch, dần phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới như: chính sách miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, các gói về tín dụng, hỗ trợ đối với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn… tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ trong du lịch như đưa vào triển khai vận hành cổng du lịch thông minh, đẩy mạnh số hóa các ấn phẩm du lịch để cung cấp thông tin, dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải đến doanh nghiệp lữ hành.

Thông tin về phát triển du lịch xanh - DLCĐ như một xu hướng sau đại dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trịnh Công Lý cho rằng: “Để có thể đưa các cụm du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, theo tôi, cần bảo vệ và phát triển hệ thống rừng bần ngập mặn ven biển và dọc theo sông Hậu; hệ thống động, thực vật ven biển, ven sông. Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh, DLCĐ luôn gắn với môi trường xã hội thân thiện, cởi mở. Người dân ở các điểm đến cần được tập huấn về văn hóa giao tiếp, hiểu được ý nghĩa, mục đích và hiệu quả của việc phát triển du lịch tại địa phương, có sự đồng thuận và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; đầu tư cho công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân là một chủ nhà hiếu khách, luôn lịch sự, cởi mở với khách phương xa”.

Du lịch xanh - DLCĐ sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Sóc Trăng lan rộng trong khu vực và cả nước, tạo dấu ấn được trải nghiệm một khung cảnh gần gũi với thiên nhiên, an lành trong giao tiếp và sinh hoạt, khám phá những điều mới lạ về văn hóa độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong loại hình DLCĐ chính là một trong những điểm nhấn để thu hút du khách đến với địa phương trong điều kiện mới - “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

THI RE

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/soc-trang-phat-trien-du-lich-xanh-du-lich-cong-dong-55476.html