Soi lợi nhuận nghìn tỷ của ngân hàng thời Covid-19

Nếu xét kỹ các cấu phần kinh doanh, không khó để thấy đà tăng lợi nhuận của các ngân hàng đến từ đâu...

Mặc cho những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng vẫn cho thấy sức khỏe của mình. Thể hiện rõ nhất là lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm liền trước hoặc vượt kế hoạch năm đề ra.

LỢI NHUẬN NGHÌN TỶ

Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2019, hàng loạt báo cáo đầu tư chiến lược của các công ty chứng khoán đều đặt ngân hàng là một trong những ngành phát triển tiềm năng của năm 2020.

Thậm chí, khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành ngân hàng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực còn phải gồng mình để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vẫn có nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sẽ vẫn tăng trưởng tốt.

Thực tế cho thấy nhận định này của các chuyên gia không hề sai. Bức tranh ngành ngân hàng năm 2020 vẫn có màu sắc tươi sáng.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, mặc dù đã cắt giảm gần 5.00 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngân hàng vẫn báo lãi 16.450 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với năm 2019.

Trong khi đó, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên sau 5 năm ngân hàng không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhưng vẫn duy trì là tổ chức tín dụng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, đạt 23.068 tỷ đồng.

Hai ngân hàng khác gồm BIDV và Agribank, dù lợi nhuận không tăng trưởng so với năm 2019 nhưng báo cáo kết quả sơ bộ cũng vượt dự kiến kế hoạch năm. Trong đó, BIDV báo lãi 9.017 tỷ đồng và Agribank báo lãi 12.869 tỷ đồng.

Đấy là ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Còn tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lợi nhuận còn tăng trưởng tốt hơn nhiều.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của MSB dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, tăng tới 94% so với năm 2019 và vượt 74% kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố sơ bộ kế quả kinh doanh cho tới hiện tại.

Hay như tại TPBank, ngân hàng này tiếp tục nâng cao kỷ lục lợi nhuận bản thân lên mức 4.200 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. MBBank cũng cho biết lợi nhuận ngân hàng năm qua đạt 10.688 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2019 và vượt 19% kế hoạch năm.

Không chỉ có thế, dù chưa công bố kế quả cả năm, tuy nhiên nhiều ngân hàng cho biết đã hoàn thành mục tiêu đề ra từ những tháng trước gồm ACB, VIB, Sacombank, LienVietPostBank, ABBank…

CÔNG THỨC TẠO LỢI NHUẬN

Ngân hàng vốn được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Trong khi, nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, số doanh nghiệp giải thể tăng nhanh. Vậy câu hỏi được thị trường đặt ra là tại sao ngân hàng vẫn báo lãi lớn như trên?

Quan sát trên các báo cáo kinh doanh sơ bộ đã được công bố, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các ngân hàng đã khéo léo áp dụng công thức tạo lợi nhuận gồm kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại.

Chi tiết hơn, Ngân hàng Nhà nước đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý 2/2020 mặc dù đã có 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành. Tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4% nhưng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và kết thúc tháng 12 đạt mức 12,13%.

Song song với tín dụng tăng dịp cuối năm, việc mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động là nguyên nhân trực tiếp giúp ngân hàng lãi đậm năm qua nhờ biên lãi ròng được cải thiện.

Trong báo cáo mới đây của Fiingroup cũng cho thấy điều này, với việc lãi suất huy động giữ xu hướng giảm liên tục trong quý 4/2020, biên lãi ròng của ngân hàng những tháng cuối năm tiếp tục nâng cao hơn.

Thực ra, điều này cũng khiến các ngân hàng “khó ăn nói” khi bị cho rằng chưa đồng hành đủ cùng các ngành nghề khác.

Tại khía cạnh đa dạng hóa nguồn thu, trước đây tín dụng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng khi chiếm tới 90-99% tổng doanh thu, lợi nhuận. Nhưng việc tăng trưởng tín dụng nhanh cũng đồng nghĩa phải đối mặt với rủi ro nợ xấu lớn.

Do đó, hiện nay các ngân hàng đã chủ động giảm tỷ trọng mảng cho vay xuống còn 70-80%, thậm chí có nơi chỉ còn hơn 50%. Còn lại, thu dịch vụ, thu nhập khác đang tăng mạnh và bắt đầu nằm trong chiến lược phát triển.

Điển hình tại Vietcombank, ngoài tín dụng tăng trưởng, ngân hàng cũng thúc đẩy thu nhập phi tín dụng chiếm 49,8% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh cả năm. So với năm trước, chỉ tiêu này đã tăng gần 11%. Trong đó, thu thuần từ ngoại tệ tăng 16%, đóng góp 38% số thu dịch vụ; thu từ bancassurance đạt gần 1.900 tỷ đồng, đóng góp 18% vào thu dịch vụ; thu hồi nợ ngoại bảng đạt hơn 2.400 tỷ đồng…

Tương tự, đóng góp vào kết quả lợi nhuận tăng mạnh của VietinBank năm qua là khoản thu nhập ngoài lãi tăng 35%. Tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập theo đó tăng từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020.

Theo công ty chứng khoán SSI, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bancassurance, mua bán ngoại tệ cũng đều phục hồi.

Ngoài ra, khoản thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể cho thu nhập của các ngân hàng. Thống kê của SSI cho thấy, tổng trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu tăng 69,5%, đạt mức 207.000 tỷ đồng trong quý 3/2020, mức tăng mạnh nhất nằm ở các ngân hàng Techcombank, SHB, VPBank, MBBank và TPBank.

Cuối cùng, trong năm 2020, chi phí hoạt động của các ngân hàng giảm rõ rệt, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Đặc biệt, nhờ Thông tư 01/NHNN các ngân hàng được phép không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, từ đó không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế.

“Chính việc linh hoạt trong chi phí, bao gồm cả chi phí trích lập dự phòng rủi ro và tỷ lệ bao nợ xấu đã tạo nên sự khác biệt trong lợi nhuận năm 2020”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ.

Đào Hưng

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/soi-loi-nhuan-nghin-ty-cua-ngan-hang-thoi-covid-19-20210120005245855.htm