Sớm 'chốt' giải pháp kiểm soát thuốc lá điện tử

Cần có chính sách pháp lý kiểm soát hiệu quả các sản phẩm thuốc lá mới, nhằm ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, cũng như phù hợp với chủ trương của Chính phủ sau Quyết định số 568/QĐ-TTg là những vấn đề được đại diện các bộ, ngành liên quan đặt ra tại hội thảo Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/7.

Cấm hay cho phép lưu hành?

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho hay, mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với quan điểm, ngăn ngừa bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn ngừa việc hút thuốc lá trong cộng đồng.

Các đại biểu chia sẻ quan điểm về quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Các đại biểu chia sẻ quan điểm về quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Trong những năm vừa qua, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là cơ quan y tế đã nỗ lực và để lại nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam và nữ, giảm tỷ lệ người hút mới. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các sản phẩm thuốc lá mới đã xuất hiện như shisha, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm...

Những sản phẩm này đã đặt ra thách thức cho nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu và đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt được sự thống nhất về quan điểm đối với việc quản lý thuốc lá thế hệ mới. Hiện nay Bộ Công Thương đề nghị đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý theo văn bản dưới Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá (trong đó áp dụng hình thức thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng). Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe người dân…

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhìn nhận, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định các văn bản luật và khẳng định thuốc lá mới (đặc biệt loại có chứa nguyên liệu thuốc lá) phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành.

Theo ông Hải, để quản lý các loại thuốc lá mới này, cần có biện pháp và quy định chặt chẽ về quản lý, chẳng hạn như về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu, quy định về thu thuế, quy định về người bán, người mua… cũng như quy định về nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

"Thuốc lá thế hệ mới dù là nung nóng hay dung dịch có chứa nicotine thì đều là thuốc lá. Sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, Chính phủ cần phải có ngay và luôn quy định để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh... thuốc lá thế hệ mới chứ không phải thí điểm”, ông Hải đề nghị.

Cần ưu tiên giải quyết dứt điểm

Theo ông Trần Thành Trung, Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, từ năm 2018 - 2019 Bộ Công Thương đã hoàn thiện đề tài về quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong các năm 2020 và 2021, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý. Trong quá trình xây dựng và đề xuất chính sách, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng ý và thống nhất nên cần một hành lang pháp lý đối với thuốc lá thế hệ mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần ưu tiên giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm soát thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm này là quan điểm của TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nhưỡng cho hay, thực tế là các loại thuốc lá đang được sử dụng “vô tội vạ”, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ, nhưng sự phản ứng chính sách còn chậm chạp. Theo ông Nhưỡng, phải đặt lợi ích sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu, đồng thời, có chính sách bảo vệ giới trẻ, có chính sách quản lý hàng hóa, quản lý thị trường, nếu coi là hàng cấm thì không đươc lưu hành, còn nếu coi là hàng hạn chế thì lưu hành như thế nào, hay thí điểm thì cũng phải tính toán…

“Phải xây dựng chính sách pháp luật để quản lý, vì đây là vấn đề bức thiết rồi. Nếu làm thí điểm thì phải làm rõ thời hạn, tiêu chuẩn, quyền nghĩa vụ của các cơ quan, tổng kết và rút ra câu chuyện chính sách để bàn tiếp là sửa hay không sửa luật. Đồng thời, phải chú trọng giáo dục phổ biến pháp luật cho cộng đồng, cho giới trẻ, đưa nội dung này vào nhà trường, tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý…”, ông Nhưỡng nói.

Chia sẻ dưới góc độ là người trong ngành, đồng thời cũng là một người tiêu dùng, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho hay, với các nước, cơ bản công ty sản xuất thuốc lá là tư nhân và cổ phần, lợi ích của họ là của cổ đông, của ông chủ. Còn ở Việt Nam, có 5 công ty sản xuất thuốc lá, đều là vốn Nhà nước, nên luôn thực hiện mục tiêu kiểm soát nguồn cung, giảm cầu thuốc lá, trách nhiệm xã hội…

Theo ông Nhân, cách thức quản lý đối với nhóm sản phẩm thế hệ mới này của các quốc gia tương đối đa dạng. Nhiều nước đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật hiện hành, một số nước cẩn trọng hơn bằng cách thí điểm trước khi cho phép kinh doanh chính thức. Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới có chính sách quản lý rất chặt chẽ trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như Mỹ, EU, Nga, Nhật, Hàn Quốc… đã xây dựng chính sách quản lý và cho phép bán các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Đây có thể là cơ sở cho chúng ta vận dụng trong việc xây dựng chính sách tại Việt Nam.

“Từ thực tiễn quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất người hút thuốc lá cần có quyền tiếp cận với các loại thuốc lá giảm thiểu tác hại. Đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp, thị trường hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây thì việc chậm ban hành chính sách sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý”, ông Nguyễn Chí Nhân nói.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/som-chot-giai-phap-kiem-soat-thuoc-la-dien-tu-157892.html