Sớm đưa học sinh vùng lũ Quảng Bình trở lại trường
Mưa lũ những ngày qua gây thiệt hại lớn tại tỉnh Quảng Bình. Hàng trăm cơ giáo dục vẫn chưa thể đón học sinh quay trở lại trường.
Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Toàn tỉnh có trên 125 trường học chìm trong “biển nước”. Trong đó, có trường ngập sâu trên 2m.
Dù đã chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó nhưng trang thiết bị, sách vở, dụng cụ học tập tại nhiều trường học vẫn hư hỏng do nước lũ.
Hiện tại, mực nước lũ tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh có rút nhưng với tốc độ chậm. Song, nhiều trường học vẫn bị bao phủ bởi nước lũ.
Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), địa phương này mới chỉ có 6/81 trường học triển khai hoạt động dạy học, số còn lại vẫn chưa.
Nằm ở vùng trũng, nhưng vì nước lũ chưa rút nên Trường MN An Thủy (huyện Lệ Thủy) chưa đón học sinh trở lại. Những bức tường được các cô trang trí sinh động giờ lấm lem trong bùn đất.
Những ngày lũ dâng, thầy cô Trường MN An Thủy thay nhau tới trực, chủ động dọn vệ sinh khi nước rút để giảm bớt công việc sau lũ.
Nét mặt hiện rõ sự mệt mỏi vì phải chèo thuyền một quãng đường khá dài để đến trường, cô Bùi Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường MN An Thủy bộc bạch: “Nhà các giáo viên trong trường đều bị ngập, nhưng ai nấy gác lại việc nhà để tới trường trực lũ. Chúng tôi chỉ mong lũ rút nhanh để sớm trả lại môi trường học tập bình thường cho các con”.
Thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy chia sẻ rằng, khi nhận được văn bản chỉ đạo của Sở, Phòng đã chủ động yêu cầu các trường học triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai. Việc di chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở và chằng chống trường lớp trước lũ phần nào giúp giảm thiểu những hậu quả do mưa lũ gây ra.
“Hiện, nhiều trường học trên địa bàn vẫn bị ngập nước, có trường còn ngập sâu xấp xỉ 1m. Để sớm đưa học sinh quay trở về trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều thực hiện chung phương châm “nước rút đến đâu, dọn đến đó”, thầy Nguyễn Văn Vững cho biết.
Không riêng huyện Lệ Thủy, nhiều trường học tại huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cũng chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, đến hôm nay chỉ mới có 7 trường triển khai hoạt động dạy học, 40 trường còn lại vẫn cho học sinh nghỉ.
Tại Trường TH Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), lượng bùn đất trong khuôn viên nhà trường khá dày. Đây là một trong những trường ngập sâu trong đợt lũ lụt này. 17 phòng học với nhiều bàn ghế học sinh ngập trong nước lũ.
Thấu hiểu sự vất vả của thầy cô, hàng chục cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình và Công an huyện Quảng Ninh đã đến các trường học để giúp thầy cô dọn vệ sinh sau lũ.
Cô Hoàng Thị Ngoan, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết, hiện sân trường vẫn ngập 0,5m nhưng nước đã rút khỏi các lớp học. Giáo viên trong trường đã tận dụng nguồn nước lũ để lau dọn, vệ sinh trường lớp.
“Trong khó khăn, nhà trường vẫn nhận được sự hỗ trợ của các chiến sĩ công an và đông đảo phụ huynh. Nhờ chung sức, chỉ trong một thời gian ngắn, lượng bùn đất trong trường đã được xử lý cơ bản”, cô Ngoan chia sẻ.
Để sớm triển khai dạy học trở lại, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ công tác ứng phó với mưa lũ, ngập lụt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong đó, yêu cầu các trường học thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống lũ lụt tại đơn vị.
Trên cơ sở phương án đã xây dựng, các đơn vị chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau khi xảy ra mưa lũ, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập.
Chủ động chỉ huy lực lượng tại chỗ, phối hợp với với các lực lượng, đoàn thể, cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức làm vệ sinh trường học ngay khi nước rút với tinh thần nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó; hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đề phòng các loại dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt.