Sớm gỡ khó cho bưởi da xanh dưới chân núi Bà Nà

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, năm 2014, xã Hòa Ninh, Hòa Vang, TP Đà Nẵng nhận thấy, bưởi da xanh tại địa phương rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, đất đai, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác nhiều lần nên quyết đinh đưa loại cây này trở thành cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế, phát triển du lịch tại địa phương. Ngày 21-1-2021 mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu cho giống bưởi Hòa Ninh, chính thức trở thành sản phẩm OCOP, trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" mà Thủ tướng Chính phủ phát động giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên bước sang năm 2021 này, việc phát triển cây bưởi da xanh ở Hòa Ninh đang gặp những khó khăn.

 Trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người dân, phát triển kinh tế, du lịch...

Trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người dân, phát triển kinh tế, du lịch...

Ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, từ năm 2014 đến nay, từ chương trình dự án phát triển cây bưởi da xanh của Bộ Khoa học và Công nghệ do Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư đề tài, diện tích trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh đã phát triển được 80 ha, trên diện tích tại 8 thôn của xã, với hàng chục hộ nông dân tham gia. Phải khẳng định dự án rất thiết thực với người nông dân. Dự án hỗ trợ kinh phí theo phương pháp đối ứng, người dân chịu một nửa nguồn vốn, dự án hỗ trợ một nửa, cung cấp cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân bón trên diện tích trồng bưởi. Trên diện tích 1 ha, trồng được khoảng 400 cây bưởi, với giá 70 nghìn đồng một cây giống, tùy theo vị trí canh tác phải xây dựng hệ thống tưới tiêu, đầu tư phân bón, chăm sóc cho phù hợp, giá trị đầu tư mỗi 1 ha bưởi trung bình khoảng 2 trăm triệu đồng. Cây bưởi trồng sau 5 năm sẽ thu hoạch đồng loạt. Tại Hòa Ninh hiện nay đã có trên 50 ha bưởi đã thu hoạch trong thời gian qua.

Nói về hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh Hòa Ninh, ông Bùi Thành, trú tại thôn Đông Sơn, một trong những hộ nông dân tham gia dự án cho biết: "Phải khẳng định cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần giống cây khác tại địa phương. Đây là giống bưởi đặc trưng, ra hoa, kết trái quanh năm, có sản phẩm bưởi để bán trái vụ với giá cao. Bưởi da xanh Hòa Ninh thường có giá từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng một kg, trung bình 1 ha bưởi, người trồng thu lời trên 300 triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ hết mọi chi phí. Bưởi da xanh Hòa Ninh thời gian qua không đủ sản phẩm để bán ra thị trường".

Người nông dân ở Hòa Ninh nói, bưởi da xanh là cây "đẻ ra vàng" quả là không quá. Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, cây bưởi da xanh chỉ phù hợp với vùng đất, khí hậu dưới chân núi Bà Nà ở Hòa Ninh, nhiều địa phương khác bên cạnh như Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc đã thử trồng, nhưng không đạt hiệu quả như ở Hòa Ninh. Chính từ sự phù hợp thổ nhưỡng khí hậu, đất đai và hiệu quả kinh tế cao, huyện Hòa Vang, xã Hòa Ninh đã hoạch định, phát triển Hòa Ninh trở thành vùng chuyên canh về bưởi da xanh phát triển kinh tế, du lịch...

Cũng cần phải nói thêm, do đặc điểm Hòa Ninh là vùng núi bán sơn địa, thời gian qua, còn hàng nghìn diện tích đất nông nghiệp, đất vườn, do không có nguồn vốn đầu tư, nên người dân phải bỏ hoang hóa hoặc trồng cây lâm nghiệp như cây keo lá tràm. Như vậy vừa trái mục đích sử dụng đất vừa không mang lại hiệu quả kinh tế cải thiện đời sống cho người dân, lãng phí đất đai... Nếu tiếp tục phát triển được vùng cây bưởi da xanh, hàng nghìn ha đất đang bỏ hoang, sử dụng trái mục đích sẽ mang lại hiệu quả và giải quyết được việc làm cho hàng trăm người lao động. Tuy nhiên đến tháng 5-2021, dự án phát triển cây bưởi da xanh của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải dừng lại, chưa rõ lý do. Chính quyền địa phương muốn tiếp tục phát triển vùng trồng bưởi cũng gặp nhiều vướng mắc như, nhiều diện tích đất đai còn nằm trong các dự án "treo" đã nhiều năm qua, ví dụ như dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh đã quy hoạch gần 15 năm qua, chiếm trọn diện tích đất của 3 thôn Trung Nghĩa, Hòa Trung, An Sơn, trên diện tích hàng nghìn ha đất... Vướng mắc nữa là địa phương không biết tìm đâu ra nguồn vốn để hỗ trợ, đầu tư cho người dân. Chính vì vậy, để tiếp tục phát triển vùng bưởi da xanh Hòa Ninh là một bài toán khó giải, trước những hoạch định đầy khả thi ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con nông dân ở Hòa Ninh mong muốn, trong thời gian tới chính quyền huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và các ngành chức năng cần quan tâm xem xét, tiếp tục thành lập các dự án, hoặc dành những nguồn kinh phí để đầu tư, hỗ trợ cho người dân, phát triển mở rộng thêm vùng bưởi da xanh ở Hòa Ninh nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân, phát triển một vùng du lịch đặc thù chuyên canh về cây trồng dưới chân núi Bà Nà.

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239716_som-go-kho-cho-buoi-da-xanh-duoi-chan-nui-ba-na.aspx