Sớm gỡ nút thắt về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề xuất sửa đổi, hoàn thiện luật về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tăng phân cấp để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực rất lớn của nhà nước tại khu vực này.
Sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025.
Cắt giảm chi thường xuyên nên thực hiện ngay từ đầu năm
Theo các đại biểu, tình hình trong nước và thế giới năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi NSNN. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành NSNN tiếp tục có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2024.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), các chỉ số thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, góp phần đảm bảo sự ổn định, vững mạnh cho nền kinh tế. “Đây là điều rất đáng phấn khởi”, đại biểu đánh giá. Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý công tác phân bổ chi thường xuyên còn chậm, việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên cần tính toán kỹ lưỡng. Một số nhiệm vụ chi không hẳn cứ tiết kiệm là tốt.
Cũng quan tâm đến tiết kiệm chi, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công.
Đối với dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách. Đại biểu cũng mong muốn có các hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương trong quá trình triển khai thu ngân sách để đạt kế hoạch đề ra.
Dự toán thu ngân sách năm 2025 tăng 15,6% so với kế hoạch năm 2024, dự toán chi cũng tăng 20,3%. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc tăng chi năm tới là phù hợp do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm.
Dẫn số liệu từ báo cáo về ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tổng thu ngân sách năm 2024 ước vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.
Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), cần sớm sửa đổi, hoàn thiện theo hướng phân cấp để DNNN tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để không làm lỡ thời cơ của doanh nghiệp. Cùng với việc phân cấp mạnh mẽ, cần chú trọng khâu giám sát, hậu kiểm.
Khoản thu tiền sử dụng đất ước cũng giảm 4,2%, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, với việc các luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, các địa phương đã triển khai định giá đất, có thể đảm bảo thu vượt dự toán. Chi ngân sách ước vượt 7,7% so với dự toán, chủ yếu do chi hỗ trợ ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Bội chi ngân sách giảm so với dự toán, đạt 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,6% GDP.
Từ các phân tích trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Chuẩn bị dự án đầu tư kém dẫn đến ách tắc giải ngân
Góp ý về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) trích các báo cáo cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Một trong những nguyên nhân được nêu là chất lượng chuẩn bị đầu tư.
Đại biểu Triệu Quang Huy nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Trả lại chất vấn của đại biểu trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đánh giá “công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.
Do đó, trong quá trình sửa đổi một số Luật liên quan đến đầu tư công tại Kỳ họp lần này, đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt…
Câu chuyện giải ngân chậm trễ cũng là lý do đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề xuất, cần sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới. Theo đại biểu, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì nhiều các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc".
Bên cạnh một số nguyên nhân trực tiếp như vấn đề nguyên vật liệu, bất cập trong đấu thầu, nguyên nhân sâu xa là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.
Sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, chúng ta còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới./.