Sớm hoàn thiện khung pháp lý về điện gió ngoài khơi

Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 600GW; triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035; theo các chuyên gia, để bảo đảm mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững cho hiện tại và tương lai.

Vướng mắc trong phát triển điện gió ngoài khơi

Thông tin cụ thể từ thực tế triển khai điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng Ban Thương mại, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, hiện nay vẫn chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục cho điện gió ngoài khơi, thiếu cơ chế để phát triển các dự án bền vững; tạo khoảng trống pháp lý cho xuất khẩu điện gió ngoài khơi; chưa tạo được đòn bẩy để đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi với công suất lên đến 600.000MW và mục tiêu công suất đạt 6.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có dự án cụ thể nào được xác định trong kế hoạch này và chỉ mới phân bổ công suất theo từng vùng. Bên cạnh đó, để phát triển các dự án này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan như văn bản pháp lý; quản lý nhà nước chuyên ngành; kỹ thuật...

 Dự án điện gió ngoài khơi, bảo đảm mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra. Ảnh: Huyền Vy

Dự án điện gió ngoài khơi, bảo đảm mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra. Ảnh: Huyền Vy

Đó là chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cùng với đó là vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Về văn bản pháp lý, cho đến nay chưa có quy định cụ thể nào cho điện gió ngoài khơi, ngoại trừ việc đề cập trong Quy hoạch điện VIII ban hành năm 2023. Theo Điều 45, khoản 2 của Luật Biển Việt Nam 2012, việc giao một số khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên cần tuân thủ quy định của Chính phủ, nhưng chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc cho thuê mặt nước biển cho ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi...

Trong lĩnh vực cấp giấy phép môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án năng lượng tái tạo tại Điều 28, giấy phép môi trường tại Điều 39 và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Điều 91. Tuy nhiên, vẫn chưa cụ thể hóa các dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục xanh nhằm giảm khí thải nhà kính và việc miễn giảm nội dung đánh giá tác động môi trường cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, các dự án điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam rất cần cơ chế thí điểm, do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân kỳ các giai đoạn phát triển của ngành; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp thẩm quyền, thủ tục phê duyệt chủ trương; phát triển thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững

Phát triển ngành điện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững cho hiện tại và tương lai. Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội đã yêu cầu tăng trưởng công suất điện lên từ 10 - 12% mỗi năm. Do vậy, việc đầu tư từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch (như điện gió ngoài khơi, điện khí) để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là hết sức cấp thiết.

TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, vì vậy, cần sớm có những giải pháp mang tính đột phá, thử nghiệm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng cơ chế, hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi.

Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề xuất những chính sách, cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi; trong đó, tập trung vào các quy định về khảo sát lập dự án, trình tự, thủ tục về đầu tư; xây dựng, các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia dự án. Đáng lưu ý, Dự thảo có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp Nhà nước tham gia đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi nhằm chủ động trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại những khu vực biển nhạy cảm.

Dự thảo quy định nguyên tắc về cơ chế bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu đối với nhà máy điện gió ngoài khơi để hỗ trợ thu xếp vốn vay, vì các dự án điện gió ngoài khơi nói chung sẽ có quy mô và vốn đầu tư lớn. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phù hợp với mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư trong từng thời kỳ.

Mặt khác, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định, căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển để khảo sát nghiên cứu phát triển dự án theo quy định...

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/som-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-dien-gio-ngoai-khoi-post395384.html