Sởn da gà với 'thầy lang' chữa bỏng trái phép
Không được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh, quảng cáo chữa bỏng từ thiện, miễn phí nhưng thực chất vẫn thu tiền của bệnh nhân, điều kiện khám chữa bệnh không đảm bảo… là những gì đang diễn ra hàng ngày tại cơ sở điều trị bỏng của thầy lang Sơn (tên đầy đủ là Nguyễn Hùng Sơn) ở thôn 8, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mặc dù vừa bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt, song cơ sở khám chữa bệnh trái phép này vẫn hoạt động như bình thường, cách UBND xã không bao xa.
Tận dụng phòng khách làm nơi chữa bệnh
Sáng 18/8, chúng tôi tìm về xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, địa phương được nhiều người biết đến “thầy lang” Chung (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Chung) chữa bỏng gia truyền nhiều năm qua. Ngay từ đầu xã, khi hỏi thăm “thầy lang” Chung, ai cũng biết và chỉ đường cho chúng tôi.
Địa điểm chữa bỏng của “thầy lang” Chung là ngôi nhà riêng tại thôn 8, xã Kim Lan. Bên ngoài ngôi nhà không hề có biển hiệu quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ cần bước qua cánh cửa vào phía trong là cảnh 2 bệnh nhân bỏng quấn băng trắng loang lổ những vết máu đang được nằm điều trị ngay tại phòng khách.
Người tiếp đón chúng tôi không phải là “thầy lang” Chung mà là “thầy lang” Sơn - con trai của “thầy lang” Chung. Chúng tôi có cảm giác “sởn da gà” khi nhìn thấy cảnh “thầy lang” Sơn tận dụng phòng khách làm nơi chữa bệnh cho những ca bỏng nặng như thế này. Bởi, các bệnh nhân bị bỏng rất cần môi trường vô trùng để chữa trị. Tuy nhiên, bệnh nhân lại nằm điều trị ngay tại chỗ ra vào và cùng sinh hoạt chung như tiếp khách, đi lại, ăn uống… rất ồn ào, mất vệ sinh.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, “thầy lang” Sơn vừa tiến hành thay băng, bôi thuốc cho bệnh nhân bỏng rất nặng một cách hết sức “hồn nhiên” trong bộ trang phục quần đùi, áo phông. “Thầy lang” khoe: “Trường hợp này hai mẹ con bị bỏng rất nặng, con trai điều trị ở viện bỏng không qua khỏi, còn bà mẹ xin về, tới đây tôi cứu cho giờ được thế này”.
Chỉ sang giường bệnh kế bên ở cửa ra vào, cháu bé 9 tuổi bị bỏng nặng do ngồi vào nồi nước luộc gà, “thầy lang” Sơn tiếp tục khoe: “May xin ra viện đến đây tôi chữa cho”. Sau đó, còn chỉ vào căn phòng phía trong đang có một trường hợp bỏng rất nặng do cháy xăng, “thầy” Sơn phán: “Bà ấy đã điều trị tại viện bỏng (Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác - PV) hết 700 triệu đồng nhưng không khỏi, người nhà xin ra viện về nhờ tôi chữa, cô vào mà xem, tốt lắm rồi đấy”. Chúng tôi thắc mắc “thầy” dùng thuốc gì mà “hiệu nghiệm” như vậy, ông Sơn cho biết mình truyền kháng sinh và huyết tương.
Thậm chí, “thầy lang” Sơn còn lớn tiếng quảng cáo: “Ở đây, tôi toàn chữa miễn phí cho người dân, không lấy tiền của ai cả. Bệnh nhân cần thì tôi chữa. Tôi làm việc phúc đức thôi!”. Khi được hỏi nếu chữa miễn phí thì lấy tiền đâu để mua thuốc và trang thiết bị về điều trị cho các bệnh nhân, ông Sơn liền trả lời: “Tôi kêu gọi từ thiện của các nhà hảo tâm. Cô cứ vào facebook của tôi sẽ thấy”.
Mặc dù quảng cáo “chữa miễn phí”, nhưng ông Sơn vẫn khẳng định và không quên đưa ra mức chi phí với chúng tôi: “Nếu cháu cô bị bỏng độ II, bệnh viện bảo phải chuẩn bị khoảng 100 triệu thì cứ đưa về đây, tôi chỉ lấy 50 triệu, sau hơn chục ngày là chữa khỏi”.
Đặc biệt, “thầy lang” Sơn còn ngang nhiên cho biết mình vừa bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 45 triệu đồng do hoạt động khám chữa bệnh chưa được cấp phép, song vẫn nhận bệnh nhân. “Thanh tra y tế và chính quyền xã không cho tôi chữa bệnh nữa, nhưng nếu cô thiện chí muốn tôi cứu cháu thì phải thuê nhà trọ bên cạnh. Bệnh nhân không để trong nhà tôi nữa”, ông Sơn nói.
“Thầy lang” Sơn dẫn chúng tôi sang “nhà trọ” ngay liền kề và dặn: “Đến đây làm hợp đồng thuê nhà, đừng nói là chữa bệnh, 100 nghìn đồng một ngày”. Dẫn chúng tôi lên tầng 2 vào phòng cụ bà 78 tuổi bị bỏng nước sôi, vị này cho biết cụ bà không ghép da được ở bệnh viện, nhưng về đây Sơn chữa đã gần khỏi. “Mẹ tôi điều trị ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác được 2 ngày, đang chuẩn bị mổ ghép da thì tôi được một người giới thiệu đến nhà thầy Sơn chữa miễn phí, mẹ con tôi bỏ viện tìm đến đây. Tiền nhà thì không mất, nhưng chi phí thuốc hết 30 triệu đồng rồi”, con gái cụ cho biết.
Điều khá lạ là chỉ một lúc khi người dân tìm đến nhà “thầy” Sơn để hỏi chữa bỏng, bỗng xuất hiện những người đàn ông và phụ nữ từ đâu đến khoe mình bị bỏng rất nặng và dành những lời quảng cáo “có cánh” cho “ông Sơn như kiểu may mắn gặp được “thần y”. Để chứng minh, họ còn vén quần, áo lên cho khách xem những vết sẹo chằng chịt theo kiểu tiếp thị: “Tôi bị bỏng nặng tưởng không qua khỏi. May mà được thầy ở đây chữa trị cho, tôi phải mang ơn thầy suốt đời”, hay “con gái tôi mà không đưa vào đây thì chết”…
Bị cấm, vẫn chữa bệnh công khai
Được biết, cơ sở chữa bỏng trái phép này hoạt động và tồn tại đã nhiều năm nay. Theo chính quyền xã Kim Lan, trước đây ông Nguyễn Văn Chung (bố của ông Nguyễn Hùng Sơn) nhiều năm nay chữa bỏng cho người dân với bài thuốc gia truyền. Sau đó, ông Hùng Sơn làm tiếp việc của ông Chung. Tuy nhiên, ông Sơn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội và có một thời gian ngắn làm việc ở các cơ sở y tế khác, sau đó nghỉ việc về nhà cùng bố là ông Chung hành nghề chữa bỏng mà chưa có chứng chỉ hành nghề.
Ông Sơn tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng nặng đến chữa bệnh ngay tại nhà dù chưa được cấp phép hoạt động. Sự việc kéo dài qua nhiều năm, chính quyền xã Kim Lan đã kiểm tra, xử phạt và yêu cầu đóng cửa cơ sở từ năm 2017. Nhưng bất chấp quy định, cơ sở này vẫn tồn tại trái phép và vẫn hoạt động khám chữa bệnh.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở chữa bỏng trái phép này, phát hiện nhiều bệnh nhân bỏng nặng đang điều trị tại đây bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với Tây y. Mặc dù cơ quan chức năng đã xuất trình quyết định kiểm tra đột xuất nhưng ông Sơn không hợp tác, chống đối đoàn kiểm tra. Sau khi Công an và lãnh đạo xã Kim Lan được mời đến, chủ cơ sở mới đồng ý làm việc với đoàn kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Sơn từ ngày 27/7 và bàn giao lại cho chính quyền xã Kim Lan giám sát, quản lý.
Tuy đã bị đình chỉ và xử phạt vi phạm hành chính, nhưng ông Sơn vẫn tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh “chui” mà chính quyền xã vẫn để mặc. Phóng viên đã tới UBND xã Kim Lan liên hệ làm việc, song rất tiếc lãnh đạo xã sau cuộc họp đã không gặp phóng viên, liên lạc bằng điện thoại cũng không nghe máy.
Theo các chuyên gia, tất cả cấp độ bỏng đều làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào vùng da bị hở, gây biến chứng nặng như: suy thận, nhiễm khuẩn huyết… dẫn tới sốc và tử vong. Tình trạng bỏ bệnh viện để tìm đến “thầy lang” chữa bỏng trái phép rất nguy hiểm tới tính mạng người bệnh khi các cơ sở này không đủ điều kiện vô trùng, cần phải được chính quyền địa phương và UBND huyện Gia Lâm xử lý khẩn trương.