Sơn Điền đoàn kết đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu

Xã Sơn Điền, huyện Di Linh là xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, những năm qua, cán bộ và Nhân dân Sơn Điền đã nỗ lực vượt khó, ra sức, đồng lòng đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.

Một góc trung tâm xã Sơn Điền

Một góc trung tâm xã Sơn Điền

Về Sơn Điền hôm nay, không khó để chứng kiến sự đổi thay ở vùng “ốc đảo” còn nhiều khó khăn của huyện Di Linh. Những cánh đồng lúa xanh tốt, rẫy cà phê thoai thoải và men theo khắp sườn đồi được bao bọc bởi những ngọn núi cao và rừng xanh. Bên cạnh đó, những chiếc xe máy, máy cày, máy kéo nối đuôi nhau vận chuyển phân bón lên nương rẫy như càng khẳng định đồng bào nơi đây đang tích cực từng ngày trong lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo.

Sau khi sáp nhập, hiện Sơn Điền chỉ còn 5 thôn, với khoảng 680 hộ, trên 3.056 nhân khẩu, trong đó có 97% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Mặc dù xã có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều…, nhưng trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Điền vẫn luôn trăn trở, Sơn Điền là xã Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì ngày nay không có lý do gì không thể chiến thắng, đẩy lùi những lực cản ấy. Từ những suy nghĩ đó, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nên ý thức của bà con ngày càng được nâng lên, nhiều người dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó đã tự giác, nỗ lực vươn lên, chủ động học hỏi kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Ông K’Xuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết: “Nếu như trước kia, người dân vẫn canh tác lạc hậu, chưa biết chăm bón, cứ phó mặc cho thời tiết nên năng suất cây trồng đạt thấp thì đến nay, được sự quan tâm nhiều mặt của Đảng, Nhà nước, cụ thể thông qua các mô hình sản xuất, hội thảo đầu bờ, các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên trình độ sản xuất của bà con từng bước được nâng lên”.

Ý thức được tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân nên những năm qua chính quyền xã Sơn Điền đã chú trọng tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Song song với việc chuyển đổi giống lúa lai cho năng suất cao đưa vào gieo sạ, thâm canh tăng vụ, hằng năm bà con trong xã đã được Nhà nước trợ giá giống lúa, chồi và giống cây cà phê cao sản…, hỗ trợ phân bón, nông cụ phục vụ sản xuất, nên xã đã chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao trình độ thâm canh. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã là 1.834 ha, trong đó có 1.763,24 ha cà phê, năm 2020 năng suất bình quân ước đạt 1,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 2.250 tấn; 171 ha lúa hè thu được đầu tư thâm canh nên năng suất ước đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt từ 855 tấn/năm. Đến nay, toàn xã đã trồng xen trên 227 ha cây sầu riêng, bơ ghép, hồ tiêu, mắc ca, mít, cây điều, chuối Laba…, trong đó đã có khoảng 70 ha cho thu hoạch. Triển khai hiệu quả các mô hình trồng nấm bào ngư, mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu sang trồng rau màu.

Để giúp bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đến nay xã Sơn Điền đã quan tâm định hướng cho bà con thực hiện công tác phòng dịch, từng bước thay đổi tập quán nuôi thả rông bằng phương thức nuôi kết hợp chăn thả và nuôi nhốt, vừa bảo vệ mùa màng của người dân vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và quản lý tốt dịch bệnh. Vì vậy, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã tiếp tục phát triển ổn định và tăng so với năm 2019. Toàn xã hiện có 612 con bò, 203 con heo, 200 con dê và gia cầm các loại trên 2.833 con. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,2% xuống còn 5,3%.

Anh K’Hằng, một đảng viên trẻ thôn Kon Sỏ chia sẻ: “Chi bộ thôn Kon Sỏ có 10 đảng viên. Những năm qua, cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò, tính tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Luôn gần gũi, chia sẻ và tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện trong số 110 hộ dân trong thôn đã có trên 30% gia đình có cuộc sống khá giả”.

Để xã Sơn Điền có những bước đi vững chắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông K’Xuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết: Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, hiện cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã tiếp tục khơi dậy sức mạnh nội lực, đồng sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phấn đấu về đích nông thôn mới theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện. Bên cạnh đó, xã tập trung tuyên truyền, định hướng Nhân dân chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng xen các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhằm tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập, nâng cao đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đầu tư phát triển nông nghiệp, triển khai có hiệu quả các mô hình trình diễn tái canh cà phê và trồng xen cây công nghiệp trên diện tích cà phê kém năng suất…

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/son-dien-doan-ket-day-lui-doi-ngheo-va-lac-hau-3070980/