Sơn Điền nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Tuy còn có những khó khăn, nhưng xã Sơn Điền (Di Linh) hôm nay cơ bản đã có sự đổi thay, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, những ngôi nhà kiên cố khá khang trang mọc lên ngày càng nhiều, các mô hình kinh tế cũng dần được hình thành.

Chuối laba là một trong những mô hình sản xuất được Nhà nước triển khai cho người dân.

Chuối laba là một trong những mô hình sản xuất được Nhà nước triển khai cho người dân.

Sơn Điền là xã vùng sâu, vùng xa và cũng là một trong những vùng căn cứ cách mạng của huyện Di Linh. Toàn xã hiện có 5 buôn với 723 hộ, 3.106 khẩu, đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên chiếm 97%.Với những khó khăn và xuất phát điểm thấp, nên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Sơn Điền gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, lãnh đạo các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong đó, nhấn mạnh Nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia và thụ hưởng. Đồng thời, huyện đã huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn ngày càng khang trang hơn.

Trong những năm xây dựng NTM, Sơn Điền đã được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, công trình thủy lợi, phát triển sản xuất… Nhờ đó, tạo cho bộ mặt nông thôn ở xã vùng khó ngày càng được khởi sắc. Đến nay, trong tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn 56,269 km thì đã có trên 23 km được láng nhựa, trên 1,6 km đường bê tông xi măng, khoảng 22,7 km đường cấp phối và trên 8,5 km đường đất; 1.938,49 ha/2.321,55 ha đất sản xuất nông nghiệp được chủ động nước tưới (đạt 83,49%); có 98,6% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trường học từ bậc mẫu giáo, trường tiểu học và trường PTDT BT THCS đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; 548 hộ/723 hộ (tỷ lệ 75,8%) số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng…

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, xã Sơn Điền còn chú trọng đầu tư phát triển sản xuất thông qua các chương trình 135, 30a. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2019 - 2020), thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, những hộ nghèo ở Sơn Điền đã được hỗ trợ phát triển sản xuất (cây giống cà phê, bơ 034, sầu riêng…) với tổng giá trị 300 triệu đồng; hỗ trợ phân bón được 150 tấn, 25 máy phát cỏ với tổng kinh phí 976 triệu đồng. Kết quả, trong 2 năm, toàn xã đã có 63 hộ nghèo được thoát nghèo.

“Từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái canh cà phê, trồng xen đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giỏi, có thu nhập cao như: mô hình nuôi heo đen của hộ K’ Đêm (thôn Kon Sỏ); mô hình cà phê trồng xen bơ, sầu riêng (4 ha) của hộ K’ Brẻoh (thôn Jang Pàr); mô hình chăn nuôi bò của hộ K’ Wuên (thôn Kon Sỏ) với tổng số lượng 30 con; mô hình cà phê, chanh dây của ông K’ Dim; mô hình cà phê, sầu riêng, bơ của ông K’ Hoàng Ying (thôn Kon Sỏ) với 3,5 ha…” - ông K’Uẩn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Điền phấn khởi nói.

Không chỉ cải tạo tái canh cà phê, thời gian qua, bà con đã chú trọng phát triển các mô hình trồng xen cây sầu riêng với tổng diện tích 21,5 ha, trong đó, đã có 18,5 ha cho thu hoạch; trồng 21,5 ha bơ 034; 20 ha cây điều và các loại cây mắc ca, giỗi, dâu tằm, cây chanh dây, bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền K’ Vít cho biết: Những năm gần đây, ý thức phát triển kinh tế của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã chủ động vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và thực hiện mô hình đa cây, đa con để từng bước cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Tổng diện tích cà phê toàn xã hiện có 2.250 ha năng suất ước đạt 2,5 tấn/ha, với sản lượng đạt 5.625 tấn, tăng 2,5 lần so với niên vụ 2020 - 2021. Ngoài cà phê, năm 2021, xã cũng đã thực hiện thành công mô hình thí điểm sản xuất lúa ST25, năng suất lúa của xã đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha… Nhờ đó, giá trị canh tác/ha canh tác đạt 100 triệu đồng/ha, nếu thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2010 - 2011, đạt khoảng 19 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2021, bình quân thu nhập đầu người đạt 41,67 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,3% xuống còn 3,2%. Đến nay, chương trình xây dựng NTM cơ bản đã đạt kế hoạch đề ra và Sơn Điền đã được công nhận là xã NTM.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông K’ Vít - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền chia sẻ thêm, địa phương xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế để cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng với việc huy động sức dân nhằm tạo động lực phát triển, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được theo hướng bền vững, góp phần tạo bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/son-dien-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-3108558/