Sơn Dương bảo vệ rừng tự nhiên

Huyện Sơn Dương hiện có 12.927 ha rừng tự nhiên, thời gian qua, huyện chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng tỷ lệ che phủ rừng, từ đó tạo việc làm tại chỗ, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, các vụ vi phạm lâm luật cũng giảm đáng kể. Để đạt được kết quả đó, huyện xác định giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến mọi tầng lớp nhân dân. Hàng năm, huyện mở 150 đợt tuyên truyền các văn bản về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tới hơn 12.000 lượt người và tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa không dây, lồng ghép vào các cuộc họp xã, thôn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương) phối hợp với lực lượngdân quân tự vệ xã tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng.

Thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 đã đem lại những tín hiệu tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đến nay, huyện đã thực hiện giao khoán 2.124,9 ha rừng phòng hộ cho người dân, tổ chức trông coi bảo vệ. Thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho người dân đã hạn chế việc chặt phá rừng trái phép, duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên, nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng.

Anh Phùng Văn Hùng, thôn Lục Liêu, xã Thanh Phát chia sẻ, trước đây cuộc sống khó khăn, gia đình chỉ có ít ruộng, năm 2017 gia đình anh nhận trông coi bảo vệ 30 ha rừng phòng hộ gần nhà. Không chỉ nhận tiền dịch vụ môi trường rừng Nhà nước chi trả hàng năm, gia đình còn thu thêm sản phẩm từ rừng như mật ong, nấm, rau rừng, cây dược liệu... Để phát triển kinh tế dưới tán rừng, gia đình anh vừa đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, nhờ đó cuộc sống dần ổn định.

Với hơn 3.100 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn các xã ATK. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng của xã Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên, Minh Thanh thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt. Mặc dù địa bàn rộng lại giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên, nhưng nhờ làm tốt công tác tuần tra bảo vệ, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng gắn với các địa danh lịch sử, từ đó các hộ đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ rừng.

Trong thời gian tới, huyện Sơn Dương thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát huy giá trị tích cực từ rừng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/thien-nhien/son-duong-bao-ve-rung-tu-nhien-122361.html