Sơn Hải chú trọng phát triển kinh tế trang trại

Xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) đã đạt 16/18 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức tương đối cao. Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền xã xác định tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trong đó tập trung thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Mô hình kinh tế của gia đình bà Lê Thị Ngọc ở thôn Nam Hải là 1 trong hơn 60 mô hình kinh tế trang trại vừa và lớn của xã Sơn Hải. Bắt đầu chăn nuôi từ năm 2016 với 1.000 con gà lấy thịt, năm 2018, gia đình bà Ngọc đầu tư xây dựng 400 m2 chuồng trại để nuôi lợn thịt. Mỗi năm, gia đình bà xuất bán khoảng 20 tấn lợn thịt và 7 - 8 tấn gà thịt, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng.

Vườn mít Thái của ông Đỗ Trường Thành hứa hẹn bội thu vào năm tới.

Vườn mít Thái của ông Đỗ Trường Thành hứa hẹn bội thu vào năm tới.

Theo bà Ngọc, việc được tạo điều kiện để vay vốn ưu đãi của ngân hàng đã hỗ trợ gia đình bà rất nhiều trong việc đầu tư, xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô.

Ngoài chăn nuôi, gia đình bà Ngọc còn đầu tư trồng rừng, với hơn 3.000 cây quế và mỡ. Quy mô kinh tế trang trại của gia đình bà trở thành mô hình tiêu biểu tại địa phương, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Cũng xây dựng trang trại tổng hợp từ cách đây gần chục năm, mô hình của gia đình ông Đỗ Trường Thành ở thôn Cố Hải đạt hiệu quả kinh tế, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao. Cùng với 15 tấn lợn thịt và hơn 9 tấn gà thịt xuất bán mỗi năm, gia đình thu khoảng gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Thành còn đầu tư trồng cây ăn quả, gồm 600 gốc thanh long ruột đỏ, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Gia đình ông trồng thêm 300 cây mít Thái và 50 cây hồng xiêm, dự tính từ sang năm bắt đầu cho thu hoạch. Không những vậy, 6 ha quế đang cho thu hoạch cũng đem lại nguồn thu tương đối ổn định, giúp gia đình ông có điều kiện tiếp tục đầu tư con giống, mở rộng mô hình.

Ông Đỗ Trường Thành cho biết: Sản xuất nông nghiệp mà nhỏ lẻ, manh mún thì hiệu quả thấp. Nhưng đầu tư kinh tế trang trại không đơn giản, cần tìm hiểu kỹ, chịu khó học hỏi và đặc biệt là tự rút kinh nghiệm sau mỗi mùa vụ để có được hiệu quả cao nhất.

Ông Vũ Tuấn Khơi, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: Xã rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để các hộ làm mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn và chính sách của Nhà nước; thường xuyên chỉ đạo cán bộ nông - lâm nghiệp, khuyến nông viên, thú y viên hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; mở các lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y tại địa phương để người dân được học tập. Bên cạnh đó là tuyên truyền sâu rộng và tích cực triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (bể biogas) để các hộ xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt…

Năm 2021, thu nhập bình quân của xã Sơn Hải đạt 50,56 triệu đồng/người, tuy nhiên năm 2021 vẫn còn 86 hộ nghèo/1.041 hộ (chiếm 8,26%). Mục tiêu của xã là từ nay đến hết năm 2022, số hộ nghèo giảm xuống dưới 6% và đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Chính vì vậy, những mô hình kinh tế trang trại như của gia đình bà Lê Thị Ngọc và ông Đỗ Trường Thành không những giúp các hộ nâng cao thu nhập, mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần nâng mức thu nhập bình quân và giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Do đó, việc phát triển mô hình kinh tế trang trại là hướng đi đúng, giúp Sơn Hải sớm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355327-son-hai-chu-trong-phat-trien-kinh-te-trang-trai