Sông Cánh Hòm và làng Mai Xá Thị

Hình thành và gắn bó với dòng sông Cánh Hòm, làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai, huyện Gio Linh tuy không phải là một hương thôn nông nghiệp tiếng tăm với ruộng đồng cò bay thẳng cánh hay khoa bảng lẫy lừng nhưng vẫn là một làng cổ phong hóa lâu đời, tuy tên gọi chưa được lan truyền rộng rãi nhưng cũng đáng được tìm hiểu vì phong cảnh hữu tình, giao thông thuận tiện: nhất cận thị, nhị cận giang, con người lại thuần hậu, chăm chỉ, biết thích nghi với nhiều nghề nghiệp khác nhau.

 Dân làng Mai Xá Thị trước đình làng

Dân làng Mai Xá Thị trước đình làng

Nơi bắt đầu dòng sông Cánh Hòm thuộc làng Mai Xá Thị phía dưới làng Mai Xá Chánh đều thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Đoạn sông này có thể coi là hợp lưu của ba con sông: Thạch Hãn, Hiếu Giang và Cánh Hòm. Ngày xưa dưới thời nhà Nguyễn, khu vực này là thương cảng sầm uất, chữ thị nghĩa là chợ trong tổ hợp Mai Xá Thị đã phần nào nói lên điều này. Cảnh tượng trên bến dưới thuyền, mua bán nhộn nhịp, kinh tế sầm uất một thời đã là quá khứ ở một nơi cửa ngõ Biển Đông. Lợi thế kín gió, neo đậu thuyền an toàn, buôn bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện là một ưu thế không chỉ đối với hàng hải xưa kia mà vẫn là yêu cầu thời sự hôm nay của ngư dân vùng biển Cửa Việt và bất cứ nơi nào khác cũng thế.

Chợ Mai Xá ngày xưa còn có tên gọi là chợ Phường Hàng cũng đã gợi nhắc đến chuyện liên quan việc trao đổi hàng hóa của dân bản địa với với người địa phương khác, thậm chí cả với người nước ngoài khi giao thông hàng hải vẫn là lựa chọn tối ưu trong nội thương và cả ngoại thương. Khúc quanh trước khi xuất phát điểm của dòng sông Cánh Hòm tạo nên một ngã ba sông vẫn tồn tại cho đến ngày nay khi con sông đào gần như ôm lấy làng Mai Xá Thị trước khi chảy quanh co ra phía đông huyện Gio Linh. Có điều là ngày xưa thì nơi đây không ngăn cách, còn bây giờ đoạn này, làng chia thành hai vì có đường xuyên Á chạy về phía bắc cảng Cửa Việt qua cầu Mai Xá. Chưa kể đến việc thay đổi địa chất, dòng chảy các con sông cũng đã làm biến dạng hình thù làng mạc qua nhiều thế kỉ. Tuy nhiên nhà cửa ven sông vẫn đủ cho ta hình dung những cư dân gắn bó với con sông, cả những vạn chài và hình ảnh con đò cho thấy mối lương duyên gắn kết giữa con người với những dòng sông, trong đó có sông Cánh Hòm.

Theo thạc sĩ sử học Yến Thọ khi nhận diện cảng thị Mai Xá, cho biết: “Đoạn sông Mai Xá từ làng Gia Độ chảy thẳng lên Mai Xá rồi đổ ra cả một vùng đầm phá mênh mông từ Mai Xá qua Giáo Liêm, Việt Yên. Về phía Đông bắc là mép trong của dải cồn cát ngoài, tức Đại Trường Sa, trên đó là các làng Hoàng Hà (phía Bắc) và Bạch Câu (phía Nam). Làng Mai Xá nằm phía Nam, thuộc mép ngoài của cồn cát trong, tức Tiểu Trường Sa, trên tả ngạn của nhánh sông cổ này; còn phía Bắc là làng Lâm Xuân nằm ven sông Cánh Hòm. Giữa khu vực đầm phá mênh mông ấy thì chợ Mai Xá nằm phía trên; phía dưới là chợ Bạch Câu. Chợ Mai Xá còn có tên là chợ Phường Hàng. Tên Phường Hàng dễ gợi cho chúng ta thấy một từ Nôm gắn với một địa điểm tập kết hàng hóa. Đó chính là một emporium - thương điếm. Từ đầu thế kỉ XIX, chợ Mai Xá bắt đầu bị giảm dần vị thế của mình trên thương trường khu vực nhưng vẫn còn cảnh tượng “quán xá rất đông đúc, chợ đông vào buổi sáng, thổ sản ở đây là quả trám, tục gọi là trái cà na”.

Chúng tôi về làng vào đúng ngày rằm tháng giêng, tục gọi là Tết Nguyên tiêu. Dẫu không phải là dịp lễ trọng nhưng dân làng, các bậc hào lão, các trưởng tộc cũng đã tề tựu đông đủ để lo việc khói hương tại đình làng. Đây là ngôi đình mặt hướng về phía nam, trước có sông Cánh Hòm chảy qua, không gian bằng phẳng, khoáng đạt theo quan niệm xưa kia cũng vào loại phong thủy cát tường. Tết Nguyên tiêu cũng là ngày tết trong năm nên dân làng tuy không câu nệ chuyện hình thức lễ vật nhưng vẫn trang trọng khói hương ông bà tiên tổ. Sự có mặt của trưởng làng, trưởng họ cùng người dân thành kính vào đầu xuân với lễ tiết trang trọng, thành kính dâng hương lên các bậc thành hoàng khai khẩn, khai canh, bày tỏ lòng thành với những người mở đất dựng làng, có công với dân với nước. Điều này càng chứng tỏ tâm nguyện thành tín của người dân Mai Xá Thị trong đời sống tín ngưỡng tâm linh, một gốc rễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần, trong việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của làng quê, nhất là với một làng cổ như Mai Xá Thị, chưa kể đến hoạt động tâm linh này còn cố kết lòng người, bồi đắp tình làng nghĩa xóm trong cơ chế thị trường cũng là điều rất đáng lưu tâm. Mọi người cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân hưng vật thịnh. Ông Bùi Đức Phúc, Ban điều hành làng Mai Xá Thị khẳng định làng này có truyền thống lâu đời, nằm ở vị trí khởi nguồn sông Cánh Hòm, con sông nối Thạch Hãn với Hiền Lương.

Một điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là một danh thần như cụ Trần Đình Ân, quê làng Hà Thượng, thuộc xã Gio Châu lại có hình tượng ngay trong chính đình trung Mai Xá Thị. Thì ra ông quan yêu nước thương dân này đã có công giữ đất cho làng Mai Xá Thị nên được từ đó đến nay, đời đời được dân làng nhớ ơn, tôn thờ và ngưỡng vọng. Đúng là thời nào cũng thế, nếu làm được việc chung giúp ích cho dân cho nước thì đồng bào không bao giờ quên ơn, còn thì ngược lại. Đây cũng là đạo lí cần được nhắc nhở và tôn vinh ngay trong đời sống hiện nay.

Cũng trong dịp hương khói này, chúng tôi được chứng kiến một sự lạ ngay trước đình làng. Đó là cây cổ thụ ngô đồng như thể tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, lâu bền của làng Mai Xá Thị, có mặt từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn. Mặc dù bị bom đạn tàn phá đến nỗi dân làng phải nhét đá vào bộng cây để cho khỏi ngả nghiêng sau những thương tật chiến tranh. Tưởng rằng đã chết nhưng cây vẫn sống, trường tồn như chính mảnh đất này và không còn là vật vô tri vô giác mà như có linh hồn, đã trở thành niềm tự hào, được truyền tụng qua nhiều năm tháng.

Để minh chứng thêm cho bề dày lịch sử, qua câu chuyện với bà con là người sở tại, dân làng còn đưa chúng tôi ra với giếng làng hàng trăm năm tuổi, đã từng là nguồn nước ngọt nuôi sống biết bao đời người dân nơi đây. Giếng nước này gắn liền với câu chuyện của nàng tiên xuống tắm khi hạ giới đã thành niềm tin dân gian tốt đẹp, bồi đắp cho linh khí làng quê. Giếng nước cũng như sông quê, đình làng, cây đa đều đã trở thành những biểu tượng của một quê hương khởi đầu cho một dòng chảy văn hóa tâm linh.

Nhưng làng Mai Xá Thị không chỉ là một làng cổ có truyền thống lâu đời mà còn rạng ngời trong đời sống hiện đại. Chắc người Quảng Trị và cả những nơi khác không ai không biết câu chuyện bà mẹ Gio Linh đi lấy đầu con bị giặc giết trong kháng chiến chống Pháp. Cùng với Mai Xá Chánh, Mai Xá Thị đã có những tấm gương oanh liệt để đến hôm nay vẫn được người đời sau thành tâm tưởng vọng. Lịch sử nhiều khi không phải là những trang sách nghiêm trang, tĩnh tại mà còn sống động trong trí nhớ của con người. Cũng chính nơi đây nhạc sĩ Phạm Duy, tác giả bài hát nổi tiếng “Bà mẹ Gio Linh” đã về lại thăm để thăng hoa những câu hát như một tượng đài âm thanh bi tráng.

Ôn cố tri tân vốn là quy luật thường tình và hợp lí của cuộc đời, nếu không thì mọi chuyện chỉ dừng lại một chiều hoài cổ trong khi cuộc sống thì không ngừng vận động và phát triển. Truyền thống như dòng chảy của một con sông chỉ thực sự có nghĩa khi tuôn trào vào hiện tại, để ngày hôm nay nối tiếp ngày qua.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=140683