Những người dân sống gần một nhánh của sông Dương Tử ở khu vực Tây Nam của Trùng Khánh giờ đây đã có thể lang thang dọc theo lòng sông lộ ra vì khô cằn, trong bối cảnh hạn hán chưa từng thấy trên khắp khu vực, và tình trạng này có thể kéo dài thêm một tháng nữa. Con sông cung cấp nước cho khoảng một phần ba dân số Trung Quốc, theo Reuters.
"Tôi thực sự lo lắng vì khu nhà của tôi đã bị cắt nước", Tian Feng, một cư dân 27 tuổi đang khám phá lòng sông cho biết. "Tôi tới đây định xem liệu có thể đi bộ trực tiếp từ đây sang bên kia sông hay không, nhưng vẫn còn nước ở giữa”.
Dù chưa khô hoàn toàn, trên các bãi đất lộ ra của Gia Lăng, nhánh sông dài ngoằn ngoèo chảy qua ba tỉnh trước khi nhập vào sông Dương Tử ở Trùng Khánh, người ta có thể nhìn thấy cá chết vì thiếu nước.
Hôm 17/8, Trung Quốc cảnh báo rằng đợt khô hạn nghiêm trọng dọc sông Dương Tử có thể kéo dài sang tháng 9, trong khi chính quyền địa phương chạy đua để duy trì nguồn điện và tìm nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng trước vụ thu hoạch mùa thu.
Liu Zhiyu, một quan chức của Bộ Thủy lợi, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 17/8 rằng có thể mất vài tháng để nước chảy lại bình thường trong khu vực, và lượng mưa dự kiến duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng này hoặc lâu hơn.
"Dự kiến trong tháng 9, lượng nước đổ vào trung và hạ lưu sông Dương Tử vẫn ở mức thấp. Hạn hán ở An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây có thể tiếp tục kéo dài", ông Liu nói, đề cập đến bốn tỉnh lớn trên trung lưu của sông.
Bắc Kinh đã cảnh báo về nguy cơ ngày càng gia tăng của thời tiết cực đoan ở Trung Quốc do hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong khi một số nơi đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa lớn tiếp tục gây ảnh hưởng đến các khu vực khác của đất nước. Truyền thông nhà nước hôm 18/8 đưa tin lũ lụt ở tỉnh Thanh Hải, miền Tây Trung Quốc, khiến 16 người thiệt mạng, thêm 36 người mất tích.
Bộ Tài chính cho biết sẽ chi 420 triệu nhân dân tệ (61,83 triệu USD) quỹ khẩn cấp để giúp các chính quyền địa phương cứu trợ lũ lụt và hạn hán.
Trùng Khánh, nơi có phần lớn hồ chứa thủy điện Tam Hiệp nằm trên sông Dương Tử, đang cố đảm bảo nguồn điện từ các khu vực khác của đất nước, khi nguồn cung trong thành phố bị hạn chế, truyền thông nhà nước đưa tin.
Công ty Lưới điện Quốc gia của Trung Quốc cũng hứa sẽ nỗ lực để truyền điện đến tỉnh Tứ Xuyên lân cận, nơi thường cung cấp một lượng lớn thủy điện dư thừa cho miền Đông, nhưng hiện áp đặt các biện pháp kiểm soát tiêu thụ nghiêm ngặt.
Hàng loạt công ty ở Tứ Xuyên, bao gồm CATL, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, và Toyota đã ngừng sản xuất tại tỉnh này do các hạn chế về điện.
Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử đã thấp hơn khoảng 45% so với mức bình thường kể từ tháng 7. Nhiệt độ cao có thể sẽ tiếp diễn trong ít nhất một tuần nữa. Tại nhiều nơi, nhiệt độ những ngày gần đây liên tục vượt quá 40 độ C, trong khi Trùng Khánh có thể vượt quá 44 độ C.
Liu Weiping, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho biết khoảng 820.000 hecta đất canh tác trên lưu vực sông Dương Tử đã bị thiệt hại, ảnh hưởng đến 830.000 người cũng như 160.000 gia súc.
Lốc xoáy dữ dội 'phun lửa' ở Trung Quốc Một cơn lốc xoáy đã xảy ra vào 7h20 sáng 19/6 ở thành phố Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc. Cơn lốc gây chập nổ, mất điện, bật gốc cây, làm hư hại nhà cửa và phương tiện.
Hồng Ngọc
Ảnh: Reuters