Sóng gió trong quan hệ đồng minh

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ-hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đang căng thẳng lại có nguy cơ hứng chịu đợt sóng gió mới sau khi dự luật về áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ankara liên quan đến thương vụ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga qua được 'ải' Hạ viện Mỹ.

Mới đây, theo trang tin Al-Monitor, với 295 phiếu ủng hộ và 125 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Ankara mua S-400. Đây là bước đi mới nhất của Hạ viện Mỹ nhằm thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump có biện pháp cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Dự luật này do Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger thuộc Đảng Cộng hòa và Hạ nghị sĩ Abigail Spanberger của Đảng Dân chủ đưa ra hồi giữa tháng 7 này. Theo ông Adam Kinzinger, dự luật trên coi việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là hành động vi phạm theo Mục 231 của Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (gọi tắt là CAATSA). Ông Adam Kinzinger khẳng định, NATO có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh nhưng để duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ, các thành viên cần tuân thủ những nguyên tắc và nghĩa vụ của NATO. “Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ lời cảnh báo của các thành viên NATO về thương vụ vũ khí với Nga và đã tiếp nhận S-400”, ông Adam Kinzinger nhấn mạnh. Dù chưa chính thức trở thành luật vì vẫn cần được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn nhưng dự luật trên cũng khoét thêm rạn nứt giữa Washington và Ankara.

 Mỹ ngừng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Mỹ ngừng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Trong vài năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt" liên quan đến nhiều vấn đề. Một trong những nguyên nhân khiến hai bên bất hòa là Ankara quyết tâm theo đuổi thương vụ mua S-400 của Nga. Tháng 12-2017, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua bán S-400 trị giá 2,5 tỷ USD. S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung, được thiết kế nhằm tiêu diệt các phương tiện tấn công và trinh sát trên không cũng như bất kỳ mục tiêu trên không khác trong điều kiện hỏa lực và thiết bị gây nhiễu điện tử của đối phương hoạt động mạnh. Các chuyên gia quân sự nhận định, S-400 hấp dẫn nhiều quốc gia bởi tổ hợp tên lửa phòng không này được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có sự vượt trội hơn hẳn các mẫu vũ khí tương tự của phương Tây. Phía Mỹ cho rằng, S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không này đe dọa khả năng phòng thủ của liên minh. Trong khi đó, Ankara tuyên bố, S-400 không phải là mối đe dọa và vẫn quyết mua tổ hợp tên lửa phòng không này với lý do để bảo vệ an ninh quốc gia bất chấp áp lực từ Washington. Phản ứng trước động thái của Ankara, Mỹ đã ngừng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35 của NATO. Thậm chí, Washington đã nhiều lần cảnh báo về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo CAATSA, vốn được Quốc hội Mỹ thông qua từ năm 2017 và cho phép nước này đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga. Dẫu vậy, Ankara không thay đổi lập trường và còn đang tiếp tục đàm phán với Moscow về hợp đồng mua S-400 tiếp theo sau khi hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD đầu tiên đã được hoàn tất vào năm 2019.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Mỹ kiên quyết trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể sẽ đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana và trạm cảnh báo sớm Kurecik ở tỉnh Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ như lời cảnh báo của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan hồi cuối năm 2019. Không phải ngẫu nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa căn cứ không quân Incirlik và trạm radar cảnh báo sớm Kurecik làm “quân bài mặc cả” với Mỹ. Căn cứ không quân Incirlik là căn cứ chủ chốt cho các chiến dịch của Mỹ ở Trung Đông. Gần đây, căn cứ này được sử dụng nhiều trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Trong khi đó, trạm radar cảnh báo sớm Kurecik có vai trò chiến lược trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của NATO. Khi Thổ Nhĩ Kỳ biến lời cảnh báo thành hiện thực, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào vị thế của Mỹ ở Trung Đông.

Trên thực tế, hai bên cũng đã nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ đồng minh thông qua con đường ngoại giao. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra hành động cứng rắn không khoan nhượng nếu Mỹ tung “cây gậy trừng phạt” đối với nước này. Các nhà phân tích cảnh báo, chính quyền Mỹ cần cẩn trọng xem xét trước khi ra quyết định bởi việc trả đũa lẫn nhau chỉ làm cho quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/song-gio-trong-quan-he-dong-minh-629020